Chia sẻ này phù hợp cho cả người muốn khởi nghiệp kinh doanh với ngành F&B, có vốn thấp hoặc không dám mạo hiểm chi khủng hay ai đã đang dấn thân rồi mà kinh doanh chưa hiệu quả hoặc chưa áp dụng cách này. Cực kỳ hữu ích. Làm sớm ngày nào, tiết kiệm ngày đó, lợi nhuận cứ thế chui tọt thẳng vào túi từng giờ…
Như thế nào là kinh doanh F&B chi phí thấp?
Thường ai cũng nghĩ kinh doanh chi phí thấp nghĩa là tốn ít tiền. Cái này đúng nhưng chỉ một phần. Người có tiền vốn có thể cân nhắc dùng tiền để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ đi vào hoạt động, tiến gần hơn đến lúc nhận lãi, tăng chi phí cơ hội. Hoặc cũng có thể bỏ sức ra để bù vào chi phí nhân công, thiết kế, lắp đặt… - như thế cũng là một cách nói của phương thức kinh doanh chi phí thấp.
Vậy nên, tư duy và nhận định là tùy mỗi người. Ai tự cân nhắc nấy, sao cho phù hợp nhất nhé!
Phương thức kinh doanh F&B chi phí siêu thấp
>Lưu tâm đến những yếu tố quan trọng nào?
Tôi sẽ không nói về sản phẩm phải ngon nữa, vì không có công thức cụ thể nào cho chuyện ngon hay dở. Cái này là do năng lực của mỗi người, khẩu vị mỗi khách mỗi khác và quán cũng bán cho những nhóm khách hàng khác nhau. Vậy nên, xin không chia sẻ nhiều phần này, dù nó cũng rất quan trọng.
Thay vào đó, hãy: lưu tâm đến những yếu tố quan trọng, là hoạt động then chốt có thể giảm thiểu chi phí, tối đa hóa doanh thu khi kinh doanh F&B chi phí thấp.
Đó là:
- Mô hình miễn phí
- Kênh tiếp cận khách hàng
- Nền tảng giao tiếp khách hàng
>Áp dụng cụ thể ra sao?
<1> Mô hình miễn phí
Cách tối ưu nhất để tiết kiệm chi phí là lựa chọn mô hình kinh doanh miễn phí. Vậy, theo bạn, mô hình kinh doanh nào không tốn tiền? - Dĩ nhiên là mô hình kinh doanh Online rồi.
Thường là có thể làm tại nhà với quy mô nhỏ hoặc nhà ở vị trí không đắt tiền nhưng nằm trong khu vực của khách hàng mục tiêu với chi phí thuê rẻ.
- Ưu điểm của mô hình này là chi phí thấp, tiếp cận được nhiều người nếu biết tận dụng các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội
- Nhược điểm là dễ bị cạnh tranh, bị đào thải nếu không liên tục cập nhật thông tin và làm mới mình. Thêm nữa, mô hình này không có khách vãng lai nên để có đơn, cần chuẩn bị nguồn khách cho nó.
- Lưu ý gì?
Có người sẽ hỏi: thế bây giờ làm thì nên bắt đầu thế nào / đăng bài ở đâu / đăng thế nào… Những cái này rất ngắn hạn, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vì bạn toàn phải phụ thuộc vào người khác, group của người ta, quảng cáo thì phải trả tiền và chết lúc nào không hay. Đó cũng chính là “bài toán chết người” của mô hình online, nhất là khi mới bắt đầu, làm gì có tiền mà chạy Ads - chạy khuyến mãi cũng không ai quan tâm vì mình quá mới, họ không tin tưởng. Vậy để giải bài toán này, cần nhìn ngược lại và khắc phục được khuyết điểm “chết người” của mô hình Online, chính là không có traffic.
Kinh doanh online đang là xu hướng thời đại dịch
<2> Kênh tiếp cận khách hàng
Giải được bước này thì bán gì cũng dễ thắng.
Vì vậy, trước khi bắt đầu, hãy chủ động xây một kênh để thu hút khách hàng sẵn của bạn, như: facebook, tiktok, youtube… Nó phụ thuộc vào việc bạn muốn bán hàng cho ai.
- Nếu muốn bán cho giới trẻ thì tiktok là kênh chính; rồi reup lại trên các kênh khác như facebook, instagram, youtube…
- Bán cho dân văn phòng thì youtube và tiktok kết hợp, rồi lại reup…
Cần nhớ rằng đối tượng khách hàng khác nhau thì hành vi của họ sẽ khác nhau, khi đó, làm kênh cũng sẽ có nội dung khác nhau tương ứng thì mới phù hợp.
Ví dụ nhé:
Giả sử bạn bán đồ ăn vặt và đối tượng khách của bạn sẽ là các bạn trẻ trong khu vực Hà Nội. Vậy thì bạn sẽ xác định kênh tiếp cận khách hàng chính sẽ là tiktok, các kênh mở rộng là youtube và instagram
Biết là xây kênh tiktok rồi, nhưng nội dung sẽ xây là xây cái gì? - Đó là về các món ăn của mình để tương lai khi có được lượng cộng đồng nhất định rồi sẽ bắt đầu bán đồ ăn.
Thực hiện thế nào? - Hãy làm một số seri phù hợp có kết hợp với các trend đang hot của tiktok như:
- Hướng dẫn nấu ăn nhanh (cái này hấp dẫn trên tiktok)
- Mang đồ ăn ra phố đi bộ cho mọi người ăn thử và cảm nhận: có thể chơi kiểu thách thức hoặc dùng thức ăn để thả thính/ cưa cẩm hotboy/ hotgirl hay đơn thuần là các video phỏng vấn troll có liên quan đến đồ ăn
- Xây dựng câu chuyện cho món ăn của bạn, xoay quanh câu chuyện và vấn đề thường ngày của khách hàng mục tiêu. Ví dụ như món ăn thần kỳ có thể chữa được mọi vấn đề của họ.
Thực hiện đều đặn và liên tục để tạo ra cộng đồng. Bước này chuẩn bị cho cái bạn sẽ bán trong tương lai. Khi đã đạt độ nổi nhất định rồi thì có thể kết hợp với các bạn khác, cũng có kênh ngang ngang với kênh mình để làm những video dạng hợp tác phát triển kênh cùng nhau. Tóm lại, thay vì phải cực khổ kiếm khách hàng khi mở bán online, hãy xây dựng nó trước khi đăng bài mở hàng.
Với các kênh khác cũng làm tương tự nhưng mỗi kênh đặc thù sẽ có yêu cầu khác nhau. Tiktok thì cần làm tiết tấu nhanh, tình tiết hài hước funny, twist tóe loe lên sẽ có tương tác rất tốt. Nhưng đối với Youtube thì tiết tấu chậm hơn vì đối tượng xem cũng khác hơn, video cũng dài hơn và chia sẻ được nhiều hơn. Tùy làm ở đâu mà mình thay đổi cho phù hợp.
Nó đều là kênh miễn phí (tiktok và youtube) nhưng chủ yếu là người lạ và số đông. Tuy nhiên, bạn sẽ cần cộng đồng lõi của mình, những người sẽ tạo ra các feedback, tương tác và rất nhiều thứ tạo nên cảm giác đáng tin khi bán hàng. Cộng đồng này chính là fan trung thành, và lúc đầu thường là bạn bè, người thân của bạn. Hãy nấu thử những món định bán và mời họ ăn thử, sau đó xin ý kiến của họ (có thể quay clip dạng ăn thử món và cái kết) giống như mấy clip đập hộp ấy, clip cần đặc biệt thu hút để tạo hiệu ứng tương tác tốt. Nhớ là sau khi nghe góp ý thì nhanh tay ghi chép lại để cải tiến nó phù hợp hơn, và đừng quên nói với họ rằng bạn sắp sửa mở bán, nên có gì nhớ ủng hộ và góp ý nha!
Cái này rất quan trọng, cả về tài chính lẫn tinh thần. Lúc khai trương, cứ quán được bạn bè ủng hộ khúc đầu là hưng phấn, hào hứng làm tốt lắm. Vì nhóm này là nhóm lõi, luôn hỗ trợ tinh thần mình nên phải ưu tiên. Còn nhóm khách hàng đến từ kênh thì độ trung thành kém hơn, nên không phụ thuộc nhiều khúc đầu được.
Từ đây, nếu như là kênh miễn phí thì chia làm 2 nhóm cần phải chuẩn bị trước:
- Nhóm miễn phí, thân thiết: bạn bè, anh em và người thân; mời họ thử và dặn họ nhớ ủng hộ.
- Nhóm miễn phí, đám đông: fan và follower; phải tạo ra nội dung thu hút và thường xuyên tương tác.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng thêm kênh trả phí. Ở mô hình online thì kênh phù hợp nhất để bắt đầu chính là các FoodApp nhưng sẽ sử dụng app này như một phương tiện để tăng khách hàng mới chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Khi phát sinh các đơn hàng từ app, hãy nhanh chóng lưu lại thông tin số điện thoại và dẫn họ về zalo, sau đó chăm sóc họ mua lại từ các đơn hàng sau để không bị mất hết lợi nhuận (20-30% doanh thu).
Vậy là bạn đã có được kênh để tiếp cận khách hàng rồi, nhưng để thực sự có lợi nhuận bền vững thì cần phải làm tốt được yếu tố thứ 3.
Xây dựng kênh tiếp cận khách hàng đúng giúp quán bán được nhiều đơn
<3> Nền tảng giao tiếp khách hàng
Đây mới là cái giúp bạn có lợi nhuận bền vững mà không cần chi tiền cho quảng cáo. Tất cả các hoạt động từ xây kênh, bán đồ trên app thật ra cũng chỉ phục vụ cho một mục tiêu duy nhất là có được khách hàng mới, và mỗi một khách hàng mới đến với bạn, bạn đều phải tốn phí cho nó. Không phải là tiền bạc thì sẽ là thời gian, công sức. Tuy nhiên, đối với danh sách khách hàng cũ, nếu bạn tạo được sự liên hệ thì có thể bán lại cho họ bao nhiêu lần cũng được và gần như không mất chi phí gì. Cứ hình dung việc xây kênh mạnh bao nhiêu, dùng app tốt thế nào thì nó cũng là nguyên liệu đầu vào cho danh sách khách hàng này. Hiểu rõ điều này, bạn sẽ xây dựng kịch bản chăm sóc khách hàng “thân thiện môi trường” nhất cho thể.
Khi khách hàng mua hàng lần đầu tiên, hãy tặng họ một món quà nhỏ (freeship, free nước, voucher lần sau, ưu đãi thành viên…) để họ có lý do để gia nhập vào nhóm khách hàng trung thành của quán bạn.
Đừng chăm sóc theo nhóm, hãy chat 1-1 bằng cách sử dụng một nick zalo để add và tương tác thỉnh thoảng với họ. Mỗi 2-3 ngày hãy gửi cho họ một tin nhắn “hâm nóng” tình cảm (chứ không phải buôn bán gì hết cả).
Ví dụ như mấy cái hình chế của “Tôi hôm nay sau khi đi thi…” bởi vì khách hàng của bạn là nhóm trẻ. Hoặc là những cái gì mà trend trong nhóm của bạn là bạn phải chế lại cho nó vui và gửi cho họ… Mục tiêu không phải là bán hàng mà là “sự xuất hiện”. Nên hiểu rằng chỉ cần xuất hiện đều đặn và đủ nhiều thì khi khách có nhu cầu, bạn sẽ được họ nhớ đến.
Thêm nữa, mỗi tuần hãy gửi cho khách một vài ưu đãi be bé nhưng “chỉ dành riêng” cho khách cũ. Thay vì phải chi 20-30% cho bên ngoài thì nên sẵn lòng biến 10% thành giá trị tăng thêm cho khách như mời họ nước, tặng họ nửa hộp mì…
Bằng cách đó bạn sẽ tạo ra được một danh sách khách hàng thân thiết thật sự, và có được những sự kết nối như con người với con người chứ không phải con người với một cái shop. Cũng có nghĩa là, bạn đã có được các fan trung thành, luôn luôn ủng hộ và ủng hộ thường xuyên.
Trên đây là những bước then chốt để có thể bắt đầu một mô hình kinh doanh F&B sinh lãi với rủi ro thấp và chi phí thấp. Nếu bạn đang định dấn thân vào ngành, hãy chuẩn bị trước những bước này để ngày khai trương đông khách, kín bàn. Chứ khai trương mà lèo tèo vài đơn thì buồn lắm.
Tác giả: Thông Phan