Nên Kinh doanh hay Làm thuê khi đều kiếm được 30 triệu mỗi tháng?

Tôi tin chắc rằng ai cũng đã từng canh cánh câu hỏi này trong lòng. Nhiều người đêm mất ngủ vì nghĩ đến những quyết định ảnh hưởng cả cuộc đời. Rằng liệu có nên nghỉ việc để theo đuổi đam mê? Tôi cũng đã từng như thế. Vậy câu trả lời là gì? Chọn phương án nào để thành công?

nên kinh doanh hay làm thuê khi đều kiếm được 30 triệu mỗi tháng

Theo bạn, nếu cùng kiếm được 30 triệu mỗi tháng thì nên kinh doanh hay làm thuê?

Vì sao bạn băn khoăn?

Thường là do bạn cảm thấy không hạnh phúc, không thỏa mãn với “vị trí hiện tại” của mình. Nên khi đó, bạn mới tìm kiếm sự thay đổi và băn khoăn về lựa chọn của bản thân.

Thông thường, chúng ta sẽ lưỡng lự 3 vấn đề chính yếu:

- Muốn kiếm được nhiều tiền

- Muốn được làm điều mình thích

- Muốn được tôn trọng, được chú ý

Những điều này sẽ thay đổi theo thời gian chứ không cố định mãi. Đó là lý do vì sao khi bắt đầu bạn cảm thấy kiếm tiền là quan trọng nhưng rồi đến một lúc nào đó, bạn tìm kiếm sự cân bằng, tìm kiếm sự ghi nhận của đám đông.

Dễ nhìn nhất là lúc trẻ, chúng ta khao khát kiếm tiền. Cứ nhiều tiền là lao vào vì lúc này chưa áp lực, chưa vướng bận, chưa bị lừa nhiều, chưa thất vọng nhiều. Thêm phần là vật chất còn thiếu thốn nên cứ tiền cao dù không được làm điều mình thích, hay xã hội tôn trọng thì vẫn bất chấp làm (ví dụ điển hình như đa cấp) >>> Nhưng khi ở độ tuổi tài chính tương đối ổn định, không thiếu ăn, thiếu mặc nữa thì đa phần sẽ hướng về những điều khác: đam mê, đóng góp xã hội, chia sẻ trải nghiệm… >>> Thêm một tí thời gian nữa thì sẽ nghĩ về sự ra đi, muốn để lại cái gì đó có ích và giá trị cho thế hệ sau, bản chất khi đó chính là tìm kiếm sự ghi nhận và trân trọng từ cộng đồng.

Vậy nên, ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau, cho cùng 1 câu hỏi. Cái “cần” khi đó cũng rất khác nhau. Vì thế, để giải đáp được thắc mắc trên phụ thuộc vào bạn đang ở đâu (giai đoạn) và muốn đi về đâu (mục tiêu cuộc đời).

Được và Mất khi chọn làm thuê

+) Được gì?

#1. Được làm đúng thế mạnh, sở trường của mình

Bạn học 12 năm và tiếp tục thêm 4 năm đại học để có được những kiến thức mà số đông ít có. Vậy tại sao lại không sử dụng những kiến thức đó tạo thành thế mạnh của mình mà lại sử dụng những kiến thức và kỹ năng mà ai-cũng-có để thi tài cao thấp với người khác? Như vậy có phải là đã và đang phí thời gian của chính mình không?

Đi làm sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm nền tảng cực kỳ vững vàng, là nền móng để phát triển sau này. Dù tự khởi sự kinh doanh hay phát triển nghề nghiệp theo hướng chuyên sâu cũng đều tốt chứ không hề bất lợi. Thêm nữa, nếu khởi sự kinh doanh, bạn sẽ phải trả giá cho cái sai của mình, đằng này bạn vừa được học, được thử, được sai, lại vừa được trả tiền công. Rõ ràng đây là một deal không thể hời hơn.

#2. Được hướng dẫn bởi những người thầy, người sếp giỏi

Dù cho bạn là tài năng thiên bẩm, nhưng nếu không gặp được một người thầy tầm cỡ thì mãi mãi năng lực đó cũng không bao giờ được khai phá. Cách tốt nhất để tìm ra thế mạnh và giới hạn của bản thân chính là tìm đến làm việc và học hỏi cùng “những người thầy” xứng tầm đấy. Đừng đổ lỗi rằng bạn không thể học được gì từ sếp và chê bai họ. Bởi lúc phỏng vấn là bạn đã có quyền chọn sếp, có muốn đi theo và học người này hay không rồi. Số phận là do bạn chọn, chính bạn đã tạo nên con đường mình đang đi.

#3. Được sự ổn định “thời điểm”

Không phải quá lo lắng về thu nhập dù việc kinh doanh có như thế nào, công ty sống chết ra sao thì sếp vẫn phải trả lương đầy đủ cho bạn theo thỏa thuận. Chuyện này sẽ rất khác nếu bạn khởi sự kinh doanh. Tính ổn định này thường xuất hiện kèm với một cái bẫy, gọi là “cái bẫy của sự thỏa mãn”.

Chúng ta thường nói về việc kinh doanh, kiếm nhiều tiền trước khi đi làm nhưng rồi sau khi đi làm và có được mức thu nhập không quá cao cũng không quá bèo bọt. Lúc này, nhiều người thường bằng lòng với hiện tại và sống với nó. Theo đó, hoài bão và đam mê sẽ bị thui chột dần. Đến khi nhận ra và muốn bắt đầu thì đã quá trễ. Bạn khi đó không còn đủ thời gian và can đảm để đánh đổi nữa. (Cứ nhìn vào ví dụ về chú chuột sa chỉnh gạo là thấy rõ nhất).

+) Mất gì?

#1. Tiền bạc

Cái đầu tiên có vẻ như là tiền bạc. Nghe phi lý nhưng đó là thực tế.

Ai cũng nhìn thấy khi đi làm thì giá trị bạn làm ra không bao giờ tương xứng với thứ bạn nhận được. Bản chất của tư bản là vậy. Đó là giá trị thặng dư. Người chủ sẽ lấy phần đấy của bạn. Bạn sẽ luôn là người thiệt trong “trò chơi” đó. Và khi bạn không còn giá trị cho tổ chức, bạn sẽ bị đào thải ngay. Bởi vậy, chẳng ai giàu có mà cả đời làm thuê cả (Tất nhiên, giàu có tùy theo định nghĩa của mỗi người. Nếu mục tiêu của bạn là có 1 tỷ thì đi làm thuê vẫn hoàn toàn có thể đạt được.)

#2. Tự do

Nhìn thì có vẻ làm kinh doanh sẽ tự do hơn, nhưng thực tế lại cực hơn rất nhiều. Nếu bạn nghĩ ở văn phòng bạn chịu sự phụ thuộc bởi sếp thì kinh doanh bạn có hàng trăm ngàn “sếp” (chính là khách hàng của bạn).

- Bạn sẽ chẳng thể nghỉ được vào ngày người ta nghỉ nếu đó là khu du lịch.

- Bạn sẽ chẳng thể nghỉ được lúc người ta đi chơi nếu bạn làm ăn uống…

Những năm tháng đầu khởi sự kinh doanh là một chặng đường chông gai. Bởi vậy không có nhiều người vượt qua được. Cho nên làm ở đâu cũng sẽ mất tự do cả. Hễ đã chấp nhận bán sức lấy tiền là phải chấp nhận thích nghi với môi trường mà mình sống, tức là mất tự do (một phần nào đó), tùy theo môi trường.

#3. Công nhận

Làm chủ thì oách hơn, tất nhiên rồi, cái này không ai phủ nhận. Tuy nhiên, làm công nhưng làm Giám đốc Marketing hay Giám đốc Nhân sự cũng đâu phải không có tiếng tăm, đúng không?

Đôi lúc cần xác định rõ tố chất mình làm tướng hay làm vua thì hợp. Vua thì lại có vua nước lớn, nước nhỏ. Tất cả đều muốn làm vua nước lớn nhưng không phải ai cũng đủ năng lực và sẵn sàng cho ngôi vị đó. Khi đi làm thuê thì sự công nhận của bạn sẽ phụ thuộc khá nhiều bởi sếp. Do đó, rủi ro và nỗi đau không được công nhận luôn thường trực. Hễ phụ thuộc vào người khác thì khó lòng mà thoải mái được.

nên kinh doanh hay làm thuê khi đều kiếm được 30 triệu mỗi tháng

Làm thuê thì an nhàn và ổn định nhưng bị phụ thuộc vào Sếp

Được và Mất khi kinh doanh

+) Được gì?

#1. Thu nhập

Làm kinh doanh tất nhiên là nhiều tiền hơn rồi. Cảm giác cũng sướng hơn vì mình làm cho chính bản thân mình. Làm nhiều ăn nhiều, nên làm không mệt mỏi, làm không ngơi nghỉ. Tuy nhiên, không phải ai làm cũng thành công. Có nhiều người khởi sự kinh doanh, thất bại rồi lại quay về con đường làm thuê, và còn gánh thêm nợ. Tâm thế vì vậy mà luôn nặng nề và bị đè bẹp, không thể phát huy hết năng lực. Và tất nhiên là không thể quay trở lại vạch xuất phát được.

Như vậy, thu nhập cao là có nhưng không phải đúng với tất cả mọi người. Người ta nói nhiều về những người thành công nhưng người thất bại thì nhiều vô kể, chẳng ai nói về họ cả.

#2. Sự phát triển toàn diện

Bạn sẽ cần nhiều kỹ năng để có thể tồn tại và phát triển sự nghiệp. Bởi vậy, các kỹ năng của bạn sẽ được “trường đời” hoàn thiện một cách mạnh mẽ và nhanh khủng khiếp. Chuyện này khiến cuộc đời bạn trở nên thú vị và đáng sống hơn rất nhiều. Khi đó, bạn cũng dễ va vào hạnh phúc hơn.

#3. Sự bền vững về dài hạn

Những điều bạn xây dựng cho mình sẽ tồn tại theo thời gian. Càng lâu dài nó càng trở nên dày dặn và tốt cho bạn trong tương lai. Không như việc đi làm và nhảy việc giữa các công ty. Mỗi lần như thế bạn sẽ phải tốn thời gian chứng minh năng lực, sự phù hợp với văn hóa môi trường lại từ đầu. Ở đây, bạn tự xây dựng ra môi trường của chính mình và sống chết với nó.

#4. Sự công nhận

Cái này thì không bàn cãi. Khi bạn dám đứng ra và kinh doanh, bạn đã làm điều mà ít người dám làm. Khi đó, bạn xứng đáng được ghi nhận và tự hào vì điều đó.

Trong con mắt và quan điểm của người Á Đông thì cứ làm chủ đã là một đẳng cấp rất khác rồi. Khi đó, hễ về nhà là bạn sẽ trở thành tâm điểm, sự tự hào của cả gia đình khi nói chuyện với hàng xóm, khách khứa.

+) Mất gì?

#1. Mối quan hệ, bạn bè

Chính vì phải dành thời gian để học và phát triển những cái mới mẻ, chưa biết (có cái tốt, cái không) nên bạn sẽ còn ít thời gian hơn dành cho bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Điều này khiến bạn trở nên xa cách hơn với người yêu, bạn bè, gia đình. Thậm chí, khi bạn thay đổi về nhận thức, nhiều khả năng bạn sẽ không còn muốn duy trì những gì mình đã và đang có. Khi nhìn nhận về xã hội và thế giới khác rồi, có thể bạn sẽ thấy lũ bạn của mình thật tầm thường và bạn muốn kết giao với những người giỏi hơn, giàu hơn giúp bạn phát triển lên nữa.

#2. Sự thoải mái, yên tâm

Kinh doanh gốc nghĩa của nó là “Người chấp nhận rủi ro”. Bởi vậy không thể đoán biết trước được là thắng hay thua, giàu hay nghèo, thậm chí đang thành công, ào một phát trắng tay lúc nào không hay. Cho nên làm kinh doanh rủi ro hơn đi làm thuê rất nhiều. Nếu đi làm, bạn có bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng khi kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu, mọi rủi ro phải gánh tất.

#3. Tự do

Nghe thì hơi phi lý nhưng đúng là vậy.

Nếu bạn một mình, bạn buồn vui gì cũng được. Nhưng khi bạn là “boss” rồi thì cảm xúc, lời nói, mọi hành động của bạn đều ảnh hưởng đến tập thể.

Bạn không minh bạch, bạn làm điều bất chính, bạn làm sai, không làm gương… tất cả những điều ấy đều ít nhiều tác động đến tổ chức của bạn.

Sẽ có rất nhiều lần dù bạn không ổn, dù hết tiền phát lương, dù gặp vấn đề nghiêm trọng… bạn vẫn phải tươi cười lạc quan (đúng hơn là cố tỏ ra như thế), để không ảnh hưởng đến tinh thần tập thể.

Dường như chỉ khi vào phòng đóng cửa lại, một mình với bản thân, bạn mới được sống đúng là mình. Sự thật là bạn không hề tự do như bạn nghĩ khi khởi sự. Trầm cảm, stress xuất phát từ đây mà ra.

nên kinh doanh hay làm thuê khi đều kiếm được 30 triệu mỗi tháng

Tự kinh doanh làm chủ thì lắm áp lực, nhiều rủi ro nhưng được công nhận nếu thành công

Nên chọn cái nào?

Như đã chia sẻ trên đây, lựa chọn phụ thuộc vào bạn là ai – bạn đang ở đâu – và bạn muốn đi đến đâu…

Nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là kiếm tiền, ngày làm 8 tiếng không quan tâm nắng mưa, hết việc về với bạn gái, vợ con, sống cuộc đời bình thường và phổ biến… thì bạn có thể chọn cách làm công ăn lương và nhảy việc (nếu có) cả đời. Khi chọn con đường này, đừng bao giờ so sánh và ganh tị với người khác vì sự thành công, giàu có của họ, bởi họ đã đánh đổi nhiều lắm, chẳng qua là bạn không thấy thôi, mà không thấy không có nghĩa là không có.

Nếu mục tiêu của bạn là thật nhiều tiền. Hãy khởi sự ngay lập tức. Ngay hôm nay. Thời gian bạn sống rất có hạn, bạn đã phí mất nhiều năm chỉ để chờ đợi “đến lúc nào đó”, “mai mốt”… nếu không bắt đầu ngay bạn sẽ tiếp tục như thế đến khi không còn cơ hội nào nữa cả. Sẽ rất may mắn nếu bạn còn trẻ, thời gian còn nhiều và các mối quan hệ còn rộng. Nhưng nhớ nhé, mọi sự lựa chọn đều có giá của nó. Khi bạn chọn nó, có nghĩa bạn đã quyết định mình phải từ bỏ gì, hy sinh gì.

Nếu bạn là người tham lam, bạn muốn sống cân bằng, hạnh phúc nhưng vẫn muốn giàu có, nhiều tiền – Vậy thì có cách nào không? Có luôn nha. Nhưng cách này sẽ mất thời gian và cần sự kiên nhẫn hơn.

3 Giai đoạn trải qua để thành công

Dù bất kể bạn là ai, tôi vẫn tin công thức này hữu hiệu với bạn

+) Giai đoạn 1: Làm, trải nghiệm và va vấp

Cứ đi thoải mái, làm thoải mái, nghỉ thoải mái. Tìm ra điều mình thích, thứ khiến mình đam mê và sẵn sàng dành thời gian với nó. Giai đoạn này nhiều người lẩn quẩn cả đời. Chìa khóa để thoát ra khỏi đó chính là “Vòng tròn con nhím” (Sách Từ tốt đến vĩ đại).

Hãy tìm ra thứ đạt được 3 điều sau:

- Bạn yêu thích, bạn đam mê

- Xã hội đánh giá cao, sẵn sàng trả tiền cho điều ấy

- Bạn làm tốt, làm giỏi hơn người khác

Mục tiêu của giai đoạn này chính là tìm được HƯỚNG đi và xác lập ĐÍCH đến.

+) Giai đoạn 2: Học, trải nghiệm và tiến lên

Khi xác định được điều mình mong muốn, bạn sẽ cần bổ sung những yếu tố cần thiết để đạt được nó: (Giống như muốn có táo ăn thì cần phải tưới nước, bón phân, nhổ cỏ… vậy)

- Những kiến thức cần đạt được

- Những thành tựu cần có

- Những người bạn cần kết nối, học tập

- Những công cụ, nguồn lực cần xây dựng

Hội tụ đủ những điều này thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Hay đúng hơn là, mục tiêu sẽ theo đuổi bạn. Ở giai đoạn này, chìa khóa thành công chính là MENTOR. Bạn cần một người dẫn dắt, một người thầy hướng dẫn bạn đạt được những điều này nhanh nhất, sâu sắc nhất. Đây chính là câu trả lời cho mọi quyết định của bạn trong cuộc sống.

Trước khi hành động bất kỳ một việc gì, hãy đặt câu hỏi: “Việc này có giúp tôi tiến gần hơn đến mục tiêu hay không?”. Nếu có, hành động lập tức và không trì hoãn. Nếu không, loại nó ra khỏi đầu và không bao giờ nhắc lại nữa.

+) Giai đoạn 3: Duy trì và phát triển

Một khi đã đạt được mục tiêu, bạn sẽ tiếp tục nâng tầm nó. Lúc này, bạn cần một đội nhóm để hỗ trợ, giúp bạn mạnh mẽ hơn, nhiều nguồn lực hơn. Đó cũng là lúc bạn cần phải hệ thống hóa trải nghiệm của mình lại và đào tạo, chia sẻ cho thế hệ kế thừa.

Bằng việc chia sẻ lại kiến thức, bạn sẽ tạo ra được giá trị cộng đồng và cho dù mục tiêu của bạn tiếp theo là gì, cộng đồng này sẽ góp sức giúp bạn đạt được nó một cách tự nhiên, thuận ý nhất. Đây cũng là giai đoạn bạn kiểm chứng được khát khao của bản thân có thực sự to lớn hay không. “Khi bạn thực sự khát khao một thứ gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp bạn đạt được điều ấy”. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục trở thành mentor cho thế hệ đi sau.

Kết luận

Chọn làm thê hay chọn làm chủ? Thật ra nó chỉ là sự lựa chọn vào những thời điểm, những giai đoạn cho cuộc đời mỗi người. Không có câu trả lời sai. Cũng chả có câu trả lời đúng. Bởi vì sai hay đúng phụ thuộc vào mục tiêu mỗi người, phụ thuộc vào việc “nó có giúp tôi đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn không?”. Vậy nên đừng so sánh cuộc đời của bản thân mình với bạn bè, với những tấm gương thành công ngày ngày được báo chí nhắc đến, và tất nhiên cũng đừng bao giờ so sánh với “con nhà người ta”. Từ bỏ những sự so sánh ấy ra khỏi đầu, nó không chỉ làm bạn bị lung lay, cảm thấy nhục chí và yếu đuối mà còn khiến bạn dễ bỏ cuộc, hoài nghi về bản thân.

Chỉ cần tập trung vào điều bạn mong muốn, khát khao và mục tiêu của bạn. Chỉ bạn chứ không ai khác biết được rằng mình có đang làm đúng hay không, mình có đang tiến lên mạnh mẽ về mục tiêu của cuộc đời mình hay không, mình có khát khao đủ lớn hay không… Người yêu không biết, bố mẹ không biết, bạn bè không biết, đồng nghiệp chắc chắn càng không biết, chỉ có bạn biết mà thôi. Vậy nên, nghĩ kỹ, quyết làm và kiên định với nó. Rồi sẽ đến ngày mọi người bảo bạn “may mắn” nên mới thành công, khi quanh bạn tràn ngập “biết thế tao cũng…” thì đó chính là dấu hiệu bạn gần đến đích rồi. May mắn không tồn tại ngoài kia, nó ở đây, trên ngực, trong chính trái tim này. Nghỉ đủ rồi, làm thôi!

Tác giả: Thông Phan