Bạn đang kinh doanh trong ngành F&B, nhà hàng, quán ăn hay quán cà phê và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới? Bạn đang phải chi nhiều tiền cho quảng cáo nhưng thấy rất xót và phí vì không hiệu quả? Bài viết dưới đây là dành cho bạn, những người đang tìm kiếm một hướng mới để vượt qua khó khăn ở hiện tại, bằng giải pháp chi tiết và thực tế.
Kinh doanh F&B muốn thành công cần nhiều kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng
Chạy quảng cáo để tìm khách hàng mới
Doanh thu kinh doanh của ngành F&B nói riêng và nhiều ngành khác đều tới từ 2 nguồn: khách hàng mới và khách hàng cũ. Những quán ăn, nhà hàng lâu đời vốn đã có một lượng khách hàng cũ nhất định và số lượng này đủ lớn để họ tiếp tục hoạt động ổn mà không cần quá phụ thuộc vào khách hàng mới. Ngược lại, nếu là cơ sở vừa khai trương bán hàng, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh thì kiếm đâu ra khách hàng cũ? Do đó, để có thể sinh tồn ở những năm tháng đầu tiên, bạn cần tập trung vào khách hàng mới, tìm kiếm, thu hút và làm tăng lên nhiều hơn mỗi ngày.
Làm thế nào để tìm khách hàng mới?
Câu trả lời là tạo điểm chạm (Touch Point) trong hành trình trải nghiệm của khách hàng cho chất lượng dịch vụ và sản phẩm của quán.
Cụ thể phải làm thế nào?
+ Bước 1: Tạo ấn tượng lần đầu
Đây có thể là dạng đơn giản như quảng cáo video chạy phủ; hoặc là những nội dung kiểu cộng đồng chủ yếu là thương hiệu được xuất hiện cùng với các ấn phẩm đó.
Tuy nhiên, điểm chạm thì cũng có mạnh, có nhẹ. Hãy ưu tiên tạo ra những điểm chạm mạnh và ấn tượng hơn, tốt nhất là tạo ra một câu chuyện hấp dẫn để có thể sử dụng luôn ở những bước tiếp sau đó.
Lấy ví dụ về “Case đập bát” lúc khai trương chẳng hạn.
Ở bước này, quán đã tổ chức một sự kiện offline là “uống bia đập bát”, kéo dài trong 3 ngày. Mọi người khu vực xung quanh đi qua đi lại và thêm tờ rơi đều bị ấn tượng bởi nội dung. Nhưng tất nhiên là họ chưa đến. Vì mọi thứ chỉ mới dừng lại ở bước hứng thú mà thôi. Vậy tiếp theo đó thì cần làm gì để họ (khách hàng mới, tới lần đầu là mục tiêu của chiến dịch) đến quán?
Nhà hàng muốn có doanh thu cần kéo khách đến quán càng đông càng tốt
+ Bước 2: Chạm thêm lần nữa
Hãy cố gắng tạo nhiều điểm chạm nhất có thể. Những điểm chạm này nếu thương hiệu của bạn xuất hiện thì người ta sẽ nhớ. Còn nếu hay hơn, hãy tạo cho người ta cảm xúc cụ thể, như thế họ sẽ càng nhớ bạn hơn nữa. (trong brand họ gọi là Awareness và Activation).
Vậy làm gì để tạo điểm chạm có giá trị?
Thử liên hệ với phóng viên và mời họ xuống viết về quán của bạn, với chủ đề ấn tượng nhất.
Quay lại “Case đập bát”. Hãy kể về lý do vì sao xuất hiện sự kiện này, có câu chuyện gì đặc biệt không, ý nghĩa đằng sau sự kiện đó là gì, người tham gia thích thú thế nào… mọi điều liên quan đến chiến dịch đó đều có thể tạo ấn tượng và gây nên sự tò mò cho người đọc, rất có thể sẽ là khách hàng mới của quán ngay sau đó.
Đừng nghĩ chuyện được lên báo là quá khó. Phóng viên họ cần tin, mình thì cần được xuất hiện. Hai bên đều có lợi. Nếu làm đúng cách thì vẫn được lên bài. Kết quả, 2 ngày sau đấy, sự kiện và quán đã xuất hiện trên một tờ báo có tiếng. Nhưng tại sao lại phải đưa thương hiệu của mình lên báo?
Sự thật thì các bạn có tự nói về mình bao nhiêu, tốt thế nào thì người ta cũng sẽ không tin đâu. Vì đâu ai tự nói điểm xấu của mình đúng không? Bởi vậy đó là lý do mình cần một “người thứ 3” thay mình làm việc ấy, mà phải làm thật tốt và đảm bảo mang lại hiệu quả (tạo thêm một điểm chạm nữa đến khách hàng). Và chẳng có gì tốt hơn là một tờ báo thân thuộc với nhóm khách hàng đó của mình.
Tuy nhiên, vấn đề là cho dù bạn có lên được báo, chưa chắc khách hàng của bạn đã thấy và đọc. Bởi vậy, bạn cần mang thông tin này và chạm đến họ một lần nữa.
Vậy phải làm sao? Lúc này tất nhiên là mang cái link bài viết kia đi quảng cáo rồi. Khi đó, phòng viên sẽ được lợi vì view và tương tác của bài viết tăng, bạn cũng được lợi vì sử dụng được uy tín của tờ báo đó. Nhưng muốn gây ấn tương, tít (tiêu đề bài viết) cực kì quan trọng. Bởi khi chạy phủ, nhiều khách hàng chỉ đọc tít rồi lướt qua luôn; nhưng như thế không có nghĩa là mình không “chạm” được họ đâu nha. Cần hiểu rằng, không phải tương tác thì mới được tính là điểm chạm, họ thấy thông tin liên quan đến quán đã thành công rồi.
Ok. Lúc này khách hàng tiềm năng đã thấy và tương tác 2 lần rồi. Tiếp theo là làm gì đây?
+ Bước 3: Một chương trình bán hàng hấp dẫn
Nếu như ở các bước trước mình trả lời câu hỏi cho khách hàng là tại sao họ phải đến thì ở đây, mình sẽ trả lời cho câu tại sao họ phải đến ngay hôm nay. Chương trình hay ý tưởng thì đa dạng: tặng quà, free đủ thứ món, trò chơi… Một điều hay là khi khách đến, gần như ai cũng đã biết về chương trình của quán rồi nên họ chắc chắc sẽ tham gia. Và chính hình ảnh, trải nghiệm của họ sẽ là chất liệu để quán bạn được “viral” ra thêm nữa. Dùng trải nghiệm của những vị khách đầu tiên tạo thành ấn phẩm để tiếp tục chạm đến những khách hàng tiềm năng là bạn bè của họ. Và cứ thế, mọi thứ sẽ lan tỏa theo cấp số nhân.
Không bỏ qua trải nghiệm khách hàng thực tế
Khi đã áp dụng hiệu quả những bước trên để tìm kiếm khách hàng mới, cũng hãy đặc biệt lưu ý đến khâu vận hành. Vì thường khi có chương trình, khách sẽ đến đông hơn và quán sẽ dễ rơi vào các tình huống lỗi như không đảm bảo chất lượng món ăn, phục vụ tệ, vệ sinh không sạch sẽ…
Nguyên tắc không thay đổi là dù có khách đông thế nào cũng phải đảm bảo sản phẩm của quán luôn đạt mức tiêu chuẩn nhé, trong mọi khâu.
Trải nghiệm khách hàng tốt giúp họ trở thành khách trung thành của quán
Một chương trình marketing xuất sắc cộng với một sản phẩm tồi là cách nhanh nhất để giết chết sản phẩm đó. Vậy nên, làm gì thì làm nhưng không được ngó lơ sản phẩm. Khiến khách hàng tìm đến mình và thử sản phẩm của mình lần đầu tiên đã khó, giữ khách ở lại thì càng khó hơn. Ngoài ra, hãy cố gắng lưu lại thông tin của khách hàng càng nhiều càng tốt, đó sẽ là những kho báu trong tương lai, góp phần tạo thành công cho hoạt động kinh doanh của quán.
Tác giả: Thông Phan