Series: Vực dậy một khách sạn thua lỗ trên bờ vực phá sản - Bài 1

Khách sạn phần lớn ai cũng mong muốn phát triển sang-xịn-mịn-thơm, ai cũng tính sẽ mua thêm về cái khách sạn này, bán nhượng quyền thương hiệu cho khách sạn kia để từ khách sạn đầu tiên phát triển thành chuỗi, hệ thống. Thế nhưng sẽ giải quyết như thế nào khi cái khách sạn đầu tiên đó lại ế khách, thua lỗ, nhân viên bệ rạc, chủ chán nản… lại là điều không mấy ai nghĩ đến khi khởi nghiệp cả.


Với sự hiểu biết tự có và không ngừng học hỏi để hoàn thiện, sau hơn 3 năm đi dọc Việt Nam làm công việc tái cơ cấu khách sạn và doanh nghiệp, tác giả bài viết hy vọng sẽ giúp được ai đó giải quyết phần nào khó khăn đang gặp phải - Vực dậy một khách sạn thua lỗ trên bờ vực phá sản; đồng thời cũng mong các anh chị lớn trong ngành góp ý, từ đó hệ thống lại tư duy và phương pháp để đưa ra những đánh giá và hướng đi khách quan, hiệu quả nhất có thể.  

Xin lưu ý rằng, bài viết dưới đây chỉ áp dụng cho các khách sạn 3 sao trở xuống - còn hạng từ 4 sao và resort quy mô, sang trọng sẽ là một kiểu khác, không phổ thông nên "cũng không tiện viết"


Chi tiết như sau:

Phần 1. Tỉnh táo lại sau một trận đòn dài

Sau một quãng thời gian 3-6 tháng thua lỗ liên tiếp, người đứng đầu sẽ ở trong trạng thái “say đòn”, dần mất đi nhận thức tỉnh táo về những gì mình đang gặp và những quyết định quản trị mình đưa ra. Việc vực lại đầu tiên là từ người đứng đầu đó.

Một số sai lầm quản trị phổ thông mà các nhà quản trị sẽ gặp phải trong thời gian bế tắc này như sau:

- Kinh doanh chủ động chuyển thành chống đỡ bị động: Háo hức kinh doanh kiếm lời làm giàu => không lỗ là may => bớt lỗ là được, chờ mùa cao điểm kiếm lại => có khách là được, không trống nhà là được. 

- Đổ lỗi, gây áp lực cho cấp dưới dẫn đến bất ổn nội bộ: Sếp mắng sale, sale mắng lễ tân, lễ tân mắng buồng, buồng mắng bảo vệ… bởi sự bế tắc của lãnh đạo mà lan truyền sự tiêu cực đó. Một vài người nghỉ việc sẽ gây tan rã rất nhanh tinh thần làm việc và bộ máy nhân sự cho toàn hệ thống.

- Chán nản, bỏ bê kiểm tra giám sát: sau thời gian dài thua lỗ kém khách, vận hành khách sạn bệ rạc, mọi thứ bừa bộn, lộn xộn, bẩn thỉu. Dịch vụ đi xuống, khách cũ bỏ đi, khách mới không vào, bế tắc càng bế tắc.

- Ít khách nên “tranh thủ” gặp ai chém đấy: câu chuyện chém khách bù lỗ này thì không phải nói nhiều vì nó quá phổ thông ở các vùng miền du lịch rồi. Tuy nhiên tâm lý này tự đưa bạn vào chỗ chết một cách chắc chắn hơn thôi.

Tóm lại, doanh nghiệp của bạn vận hành thủng lỗ chỗ, và bạn chỉ nghĩ do sale kém, ít khách nên đẩy mọi người vào tình trạng đó. Tuy nhiên bạn có đuổi sale, tuyển được sale cứng về, hạ giá, chạy vài chương trình tốt cũng không cứu được khách sạn lúc này.

series: vực dậy một khách sạn thua lỗ trên bờ vực phá sản

Giải pháp tối ưu nhất là thuê người làm công việc tái cơ cấu khách sạn và doanh nghiệp (như tác giả bài viết) - tạm thời lãnh đạo thay thế người chủ và vực lại tổ chức, ok rồi thì bàn giao, thời gian thường là 3 tháng.

Tuy nhiên, các bạn cũng hoàn toàn có thể tự làm lại được.

Thủ pháp hữu hiệu thường áp dụng đấy là “DỌN KHO”. Tại sao phải làm vậy?

- "Dọn kho" để kiểm soát nguồn lực còn sót lại của khách sạn xem còn bao nhiêu, làm được những gì, sau đó thì chổi cùn rế rách cũng đều được sử dụng tối đa.

- Tạo ra một sự kiện nho nhỏ, chắc chắn thành công, dứt khoát hiệu quả để mọi người teamwork. Cảm giác hoàn thành cái gì đó dù nhỏ nhỏ thôi, tâm lý sẽ thoải mái và đỡ bị choáng ngợp trước khối lượng công việc khổng lồ sắp tới. Sau buổi dọn kho đó, mời anh chị em một buổi liên hoan, đứng ra nói về thực trạng doanh nghiệp và xin lỗi chân thành. Xin lỗi là đúng rồi, bạn là lãnh đạo, lỗi đầu tiên và lớn nhất là của bạn. Vấn đề vực lại tinh thần nội bộ xong nhẹ nhàng.

- Hiểu một cách trừu tượng, về mặt phong thuỷ, kho luôn là điểm trũng tù đọng, tập trung tạp chướng trong nhà, để lâu thì còn hấp dẫn một số đối tượng không được vui tính cho lắm đến cư trú. Để dễ hình dung hơn với người ko biết về mảng này, bạn đi từ phòng khách vào đến kho sẽ mang cảm giác rất khác. Đó là trực giác của bạn về “khí”. Nhà có phong thuỷ tốt mà trữ một cái kho dễ sợ như thế thì cũng tán tài tán lộc hết.

- Dọn kho xong thì tổng vệ sinh toàn bộ khách sạn, sửa chữa hỏng hóc, trong những việc này thì bạn phải là người đi đầu cùng anh em. Kết thúc 3 ngày, bạn đã hồi phục được phần nào khả năng kinh doanh của khách sạn, anh em đang được đà làm việc. Quan trọng nhất là bạn vui vẻ, tỉnh táo và tự tin trở lại.

(Còn tiếp)

Đừng quên đón chờ Phần 2. Chọn lọc và thải loại nhân sự

Tác giả: Nguyễn Thanh Tùng

(Nguồn: Group Nhà Quản Lý Khách Sạn, Nhà Hàng, Du Lịch)