2 Việc Chủ quán nên làm để vượt qua cơn bão “Cô-vy” ở hiện tại

Nếu may mắn còn cầm cự được đến thời điểm hiện tại - và quyết cầm chừng để “đợi” ngành phục hồi đến cùng thì 2 tips dưới đây là những việc chủ quán nên làm giữa tâm bão, để duy trì kinh doanh và đón khách…

2 việc chủ quán cần làm để vượt qua cơn bão cô-vy

Hàng quán nào cũng đang chịu cảnh khốn khổ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19

Kinh doanh mùa Covid: mọi thứ không tệ như bạn nghĩ!

Sự thật là không một ai tự tin tuyên bố mình “Sống” tốt giữa đại dịch. Nhiều cơ sở vừa mới hoạt động, mọi thứ đang tốt thì bão tố ập đến, quán buộc phải đóng cửa tạm thời. Số khác đã từ bỏ chuyện kinh doanh từ lâu. Tuy nhiên, mọi thứ không tệ như mọi người đang nghĩ. Bế tắc rồi sẽ qua đi, thị trường lại được phục hồi. Việc của bạn là gieo niềm tin rồi cố gắng để sống sót và nắm bắt cơ hội để chuyển mình ngay khi có thể…

Làm gì để duy trì kinh doanh mùa “Bão” dịch?

Đợt tái bùng phát lần 4 này nguy hiểm hơn rất nhiều. Bằng chứng là số ca nhiễm đã vượt quá tổng ca nhiễm của 3 đợt trước cộng lại. Thêm nữa, dịch hiện lan ra tận 31 tỉnh, thành, đe dọa sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân, hạn chế đến ngừng kinh doanh nhiều mặt hàng. Do đó, để sống sót và kinh doanh có đơn, các chủ cửa hàng cần thiết nên thực hiện một số việc cơ bản nhưng khá hiệu quả sau đây:

>Giảm chi phí

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cửa hàng cần cắt giảm chi phí. Trong kinh doanh F&B thì hai mảng chi phí lớn nhất chính là: Tiền thuê nhà và Quỹ lương nhân viên. Chủ quán cần giải quyết 2 vấn đề này trước tiên.

Làm gì?

+ Chi phí thuê nhà:

Hãy mạnh dạn trao đổi với chủ nhà và đề xuất:

- Giảm chi phí thuê trong ngắn hạn: nếu bình thường đang thuê 100đ thì nay xin giảm xuống 60đ. Lưu ý nhỏ nhưng quan trọng là đừng lôi hợp đồng ra nói chuyện mà hãy tâm sự bằng tình người, tình cảm và cầu thị, nói với chủ nhà những bất lực mà quán bạn đang gánh lấy, vì covid.

- Nếu không thể giảm được chi phí: hãy xin đóng trễ hoặc chỉ đóng một phần trước, phần còn lại sẽ trả đủ sau dịch và chuyện kinh doanh dần ổn định; dĩ nhiên cần có lộ trình cụ thể mới thuyết phục.

Việc đàm phán với chủ nhà sẽ giúp chủ quán thật sự nhìn ra được họ là người như thế nào, thông qua thái độ và quyết định của họ. Một số sẽ thông cảm và hỗ trợ hết mình. Nhưng số còn lại sẽ là những người ích kỷ.

Nếu may mắn thì gặp được trường hợp 1. Còn không sẽ rơi vào cảnh trường hợp 2. Khi đó, cũng hãy chuẩn bị tâm lý cho việc họ có thể trở mặt và tăng giá thuê, thậm chí chấm dứt hợp đồng sớm khi thấy lợi khác lớn hơn, đồng thời, chuẩn bị tài chính để đóng tiếp tiền thuê khi đến hạn chứ biết làm thế nào hơn.

+ Chi phí lương nhân viên:

Sự thật là nhân viên của bạn ở thời điểm hiện tại trông chờ lương hơn bao giờ hết. Họ thậm chí còn căng thẳng và lo sợ chuyện lương giảm, quán không đủ ngân sách để chi trả lương, vì kinh doanh ế ẩm.

Tại sao vậy?

Vì đây là nhóm hầu như không có tiền dự trữ. Thu nhập hàng tháng của họ thường vừa đủ để chi trả các khoản sinh hoạt phí, có dư chăng cũng là vô cùng ít. Chưa kể, nhiều người trẻ chưa tích lũy, cứ có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Vì thế, việc thiếu lương hay chậm lương, tệ hơn là mất lương sẽ cực kỳ nghiêm trọng và căng thẳng với họ lúc này.

Xử lý thế nào?

Hãy trực tiếp xử lý thay vì giao cho Quản lý hay cấp dưới hỗ trợ trực tiếp. Bởi, không loại trừ khả năng cách xử lý đó đi sai hướng dẫn đến tác dụng ngược, gây hình ảnh cực kỳ xấu xí cho quán. Và quan trọng hơn là hậu quả này phải sau dịch mới thấy. Vậy nên, để xử lý phần chi phí này, người làm chủ cần khéo léo một tí.

Việc nên làm lúc này là:

- Phân loại nhân sự, chia thành các nhóm: nhân sự thân thiết và nhân sự dễ dàng thay thế được

- Với mỗi một nhân sự, hãy dành thời gian để chia sẻ và trò chuyện trực tiếp như những người bạn.

Nội dung trao đổi là gì?

- Hãy bỏ qua việc ai là chủ, ai là nhân viên mà tập trung vào những đóng góp của họ cùng lời đề nghị giúp đỡ của bạn. Đây là lúc bạn thật sự cần được giúp đỡ.

- Bắt đầu buổi nói chuyện (với một người duy nhất) bằng một món quà nhỏ để ghi nhận họ cũng như xóa đi cảm giác căng thẳng (vì những cuộc nói chuyện như thế này khá hiếm nên họ dễ bị căng thẳng)

- Cần khẳng định việc sẽ trả lương đầy đủ cho họ (vì họ được quyền như thế)

- Nhưng sẽ đề nghị bớt thời gian làm việc trong tương lai lại (nếu có), vì bối cảnh xã hội

- Đề nghị thanh toán trước một phần và thanh toán phần còn lại chậm hơn (nhưng chắc chắn sẽ thanh toán)

Việc trao đổi đó không chắc 100% giúp bạn giảm được khoản lương cần trả lúc này nhưng sẽ giúp chủ có được hai điều:

- Nhìn thấy được nhân sự nào thật sự xứng đáng gắn bó và đồng hành

- Giảm được một phần lương phải trả lập tức

2 việc chủ quán cần làm để vượt qua cơn bão cô-vy

Chủ quán có thể đề nghị trả 1 phần và chậm trả lương phần còn lại nhưng cần cam kết trả đủ cho nhân viên

+ Các nguồn chi khác:

Ví như đối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu: đừng ngần ngại chia sẻ tình hình thực tế của quán và nhờ họ hỗ trợ về công nợ, đồng thời đề nghị được trả chậm.

>> Giá trị thật sự của những việc này là gì?

Nó không giúp chủ quán được nhiều về việc giảm được tiền phải trả nhưng sẽ giải thoát được một phần áp lực đang phải chịu đựng. Đây là điều cực kỳ quan trọng để chủ quán đạt được kết quả tốt nhất ở các bước giải pháp tiếp theo.

>Tăng dòng tiền

Sau khi đã giảm được áp lực của tiền phải trả, lúc này chủ quán có thể tập trung đầu óc vào việc “làm thế nào để duy trì doanh thu phòng thủ vượt qua cơn bão dịch này?”

Nên nhớ rằng, thời điểm này dù không bị bắt buộc đóng cửa thì thói quen và hành vi của khách hàng cũng đã thay đổi. Họ dần chuyển sang kiểu take-away để hạn chế tiếp xúc. Khi đó, quán bạn cần phải dịch chuyển cho phù hợp với nhóm hành vi mới của khách hàng.

+ Nếu có sẵn danh sách khách hàng cũ:

Đây là chìa khóa để vượt bão lúc này. Thay vì ở thời điểm trước dịch, quán luôn cố gắng bán 1 sản phẩm cho nhiều khách hàng thì nay, hãy cố gắng bán nhiều sản phẩm cho 1 khách hàng cũ.

Một số sản phẩm dịch vụ có thể cân nhắc:

- Phục vụ thêm các món ăn thường ngày, thay vì chỉ tập trung vào các món ăn nhậu (món chính ở quán). Chìa khóa quan trọng ở đây là hãy tập trung vào những món mất nhiều thời gian để chế biến như các món tiềm, chưng, nướng… Vì khách muốn ăn nhưng lại không đủ thời gian để nấu. Đó là mảnh đất để quán bạn có thể sinh tồn lúc này.

- Bán thêm nguyên liệu tươi sống giá rẻ, như: thịt bò, thịt heo, thịt gà… Mục tiêu ở đây là lãi ít nhưng bù lại sẽ có lý do để tương tác với khách hàng, lâu dần, họ sẽ nhớ đến quán bạn khi có nhu cầu.

- Cập nhật giúp khách những thông tin bảo vệ sức khỏe. Hãy xuất hiện như một người bạn đang quan tâm thực sự và đáng tin. Đừng chỉ gửi đi những nội dung bán hàng với ngập tràn giá và ưu đãi.

Thực hiện như thế nào?

Hãy sử dụng mạng xã hội. Zalo và Facebook cực kỳ hữu dụng lúc này. Nhắn tin trực tiếp với khách hàng, dù họ có không trả lời nhưng họ chắc chắn nhận được thông tin này. Thử tâm niệm rằng phải đến tin nhắn thứ 5 họ mới mua hàng nên cứ việc làm bền bỉ, kết quả sẽ đến sau đó (hy vọng vậy).

+ Trường hợp không có danh sách khách hàng cũ:

Chắc chắn không thể ngồi chịu chết. Nhưng đây cũng là lúc nên nhìn nhận thực sự về giá trị của sự kết nối với khách hàng. Hãy tăng nhận biết đối với nhóm khách hàng mục tiêu. Hãy tìm hiểu thời điểm khách thay đổi hành vi và thói quen mua hàng, từ đó nắm bắt nhu cầu mới được sinh ra. Đây là cơ hội của quán. Hãy tìm ra sự thay đổi đó và đi trước trong việc phục vụ nó. Lúc này sẽ cực kỳ thích hợp để làm chiến dịch truyền thông thương hiệu, một cú “booming” gia tăng độ phủ.

Không ngoa khi khẳng định khách hàng cũ chính là nguồn sống của nhiều cơ sở kinh doanh lúc này. Khi mà vấn đề về sức khỏe và an toàn được đặt lên hàng đầu. Rất ít người mạo hiểm order món ở một quán ăn xa lạ trong bối cảnh hiện nay, vì tâm lý lo sợ độ phức tạp ở khâu tiếp xúc khi phục vụ và giao nhận.

2 việc chủ quán cần làm để vượt qua cơn bão cô-vy

Take-away là xu hướng bán hàng thời Cô-vy

 

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Do đó, hãy cứ có niềm tin rằng quán sẽ lại kinh doanh tốt khi con người bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Có chăng, khó khăn lúc này là làm thế nào để cầm cự và sống tiếp để đợi đến ngày đó. Nếu đang bế tắc, thử nghiền ngẫm và áp dụng tips hữu ích trên.

Tác giả: Thông Phan