Kinh doanh đồ ăn Online và 6 điều không ai dạy bạn

Bài viết này cực kỳ hữu ích cho những ai đang muốn kinh doanh ăn uống online hoặc chuyển dịch mô hình từ F&B truyền thống sang Online hiệu quả và đặc biệt phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

kinh doanh online và 6 điều không ai dạy bạn

Kinh doanh đồ ăn online cực kỳ phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay

[Lời nhắn của tác giả:

+ Tôi sẽ không viết lại những gì có thể dễ dàng Google. Bởi những thứ đó có rồi. Ai thực sự muốn làm thì đã tìm đọc rồi. Còn nếu nghĩ muốn làm mà chưa tìm hiểu thì đọc bài này cũng chỉ cho vui, cưỡi ngựa xem hoa thôi. Khỏi đọc. Mất thời gian. Để thì giờ làm việc khác.

+ Có nhiều keywords để thành công trong mô hình kinh doanh đồ ăn vặt online. Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ vài (trong số nhiều) key quan trọng quyết định trực tiếp đến việc thắng - bại.]

A. Sản phẩm

1. Chỉ bán MỘT sản phẩm

Có khá nhiều lời khuyên cho rằng nên tập trung vào một số ít các sản phẩm, mục tiêu là để giảm chi phí vận hành, sản xuất, đóng gói. Và hơn hết là trông nó chuyên nghiệp. Đây là lời khuyên đúng nhưng chỉ đúng trong phạm vi nhất định, khi bạn thật sự vượt qua được quy mô siêu tí hon của mình. Chẳng hạn, khi bạn có bếp, quy trình rõ ràng cần phải tối ưu thì lời khuyên này rất “OK”. Tuy nhiên, ở thời điểm khởi đầu thì chưa chắc đúng.

Khi quy mô nhỏ, sản phẩm của bạn gần như không có lợi thế cạnh tranh để so sánh với các sản phẩm cùng loại. Bởi vì các đơn hàng ăn vặt giá trị thường thấp, do đó, phí ship và thời gian chờ đợi cũng là một yếu tố rất quan trọng. Cho nên, dù là online nhưng thị trường của bạn vẫn chủ yếu trong bán kính khoảng 10km xung quanh bạn là chính. Và sản phẩm trùng lặp thì có vô số.

Nếu hỏi làm thế nào để vượt trội sản phẩm của người khác ngay từ lúc bắt đầu thì thật sự quá khó. Thay vì cố gắng bán một loại sản phẩm cho nhiều người, hãy bán nhiều loại sản phẩm cho một người. Đừng tập trung một sản phẩm, bạn sẽ cần sự đa dạng.

Khách hàng có nhu cầu thay đổi món ăn vặt mỗi ngày. Sự thay đổi dẫn đến tần suất quay lại, từ đó gia tăng giá trị một khách hàng. Thay vì một tuần họ chỉ gọi đồ của cửa hàng bạn 1 lần thì con số này có thể tăng lên thành 2 hay 3, 4, 5 lần. Doanh thu cũng theo đó mà tăng lên trong khi không cần mở rộng tập khách hàng. Quán bạn có thể thay đổi menu theo tuần hay cơ cấu menu có những món cố định và một số món thay đổi liên tục.

2. Sản phẩm có rào cản

Hãy thận trọng khi bán những món khó ăn, chảy nước, mùi hôi, bốc tay… Bởi vì khách hàng ăn vặt online chủ yếu là dân văn phòng, học sinh sinh viên không ra ngoài được vào giữa giờ, thời gian ít mới phải order. Do đó, việc có càng nhiều “rào cản” càng khiến họ có xu hướng lựa chọn những món khác ít rủi ro hơn, nhiều người chấp nhận (nếu có ăn cùng) hơn.

Nên nhớ rằng, kinh doanh đồ ăn vặt online có điểm khác kinh doanh những món ăn chính online (như cơm, mì, gà…) là số lượng món ăn vặt thay thế thường có rất nhiều. Bởi vậy, cứ một lý do khiến khách hàng từ chối được đưa ra thì doanh thu tiềm năng của bạn sẽ rụng rớt bớt một miếng. Key ở đây là lựa chọn món phù hợp với khách hàng ở thời điểm hiện tại.

3. Bao bì sản phẩm (Packing)

Bỏ qua việc bao bì cần sạch sẽ, vệ sinh, tối ưu được hình ảnh thương hiệu, rõ ràng đáng tin tưởng thì có một yếu tố bị bỏ qua ở các cơ sở bán đồ ăn online hiện tại đó là “trải nghiệm người dùng”.

Bao bì cần được thiết kế để trở nên hài hước, tạo cảm xúc thân thiện, vui vẻ với khác hàng - vì 2 lý do cực kỳ quan trọng.

+ Một là, khi họ ăn thấy ngon hoặc chỉ “hơi được được” nhưng lại thấy bao bì hài hước, funny, họ sẽ không ngần ngại lấy máy chụp ngay một tấm “quăng” lên facebook hay instagram; mà bạn bè của khách hàng thì chắc chắn là khách hàng rồi, có thêm cơ hội bán được hàng mà không phải tốn chi phí quảng cáo.

+ Hai là, nếu món ăn có không được như kỳ vọng lắm, họ vẫn cảm thấy có thể cho qua được; bạn né được một review xấu hoặc một khủng hoảng truyền thông tiềm năng xảy ra.

Một câu notes siêu dễ thương lại rất khéo của quán nọ: “Người ai cũng có vui có buồn. Chúng mình mong rằng hôm nay là một ngày vui của bạn. Món ăn này sẽ khiến bạn vui hơn. Nếu thích hãy nói với bạn bè của bạn, nếu không thích xin hãy nói với chúng mình trước khi nói với bạn bè của bạn. Vì biết đâu hôm nay có thể là một ngày không vui của bạn bếp…” Dạng dạng như thế đó.

Key ở đây là: cần tập trung vào cảm xúc và trải nghiệm của khách hàng. Và bao bì là một nơi không thể tốt hơn để thể hiện điều ấy. Một review của một khách hàng có thể không quá mạnh mẽ nhưng review của một trăm khách hàng thì đó thật sự là bằng chứng rất đáng tin cho chất lượng của món ăn.

kinh doanh online và 6 điều không ai dạy bạn

Trải nghiệm khách hàng cực kỳ quan trọng trong kinh doanh mọi mặt hàng

B. Marketing

4. Bán hàng qua Food Apps

Nếu đã bán đồ ăn online thì chắc chắn phải bán qua App rồi. Đơn giản là vì số lượng người dùng ở các nền tảng này có sẵn và cực kỳ khổng lồ. Tuy nhiên, việc này rất khác với việc chỉ bán hàng qua Food App.

Khi bán hàng qua App sẽ mất đâu đó 20-30% tùy app và khu vực cho mỗi đơn hàng thành công. Phần này bị trừ thẳng vào trong doanh thu và rõ ràng không phải chiến lược lâu dài. Food App chỉ là kênh để marketing, không phải kênh bán hàng bền vững.

Việc cần làm là dẫn khách hàng về một kênh riêng (như Zalo, Facebook…) để chăm sóc, bán hàng lại, kết bạn với họ (cực kỳ phù hợp với làm online và quy mô nhỏ).

Đừng kiểu giao hàng xong thì thông tin khách hàng bị xóa. Việc cần làm là lập tức ghi lại toàn bộ thông tin khách hàng khi đơn hàng phát sinh và chăm sóc họ trong tương lai để có các đơn hàng mới phát sinh trở lại. Bằng cách đó, bạn có thể tiếp cận được lượng khổng lồ khách hàng mà không phải chia sẻ tận 30% doanh thu cho các App.

5. Bán Online ngồi chờ khách

Có một điều đặc biệt đặc thù của bán đồ ăn online đó là không có mặt tiền. Tức là không có traffic tự nhiên (bởi mới thi nhau chạy quảng cáo). Ngồi im là không ai biết mình ở đâu, bán gì, làm gì luôn. Dù cho họ mới mua hàng của mình hôm qua. Do đó, bạn cần các hoạt động để xuất hiện liên tục và kéo traffic về nhà của mình.

Một gợi ý khi bán đồ ăn online cho đối tượng văn phòng và sinh viên chính là nhóm này học và làm việc căng thẳng nên nhu cầu giải trí không bao giờ là đủ. Hãy trở nên hài hước với họ, quảng cáo và sản phẩm của bạn sẽ xuất hiện ở cuối clip.

Hãy thường xuyên đăng tải những content thú vị, giải trí đậm chất ở kênh của bạn sau đó mới lồng ghép lý do sử dụng sản phẩm của bạn ngay lúc này. Chẳng hạn như:

+ Clip hài – Anh rất ngon nhưng vẫn chưa ngon bằng [món ăn] của em

+ Clip phim – Anh ngầu nhưng sẽ ngầy hơn nếu ăn [món ăn] của em

Kiểu thế. Cứ lồng ghép sản phẩm vào trong các comment thư giãn là được. Có thời gian thì đẩy vào video, edit tí; không thì chỉ cần lồng vào caption cũng được. Cốt của chọn content giải trí vì nó dễ lan tỏa, người ta dễ ra quyết định trong lúc vui vẻ, dễ tiếp cận nhiều người với chi phí thấp.

Key của bán đồ ăn online phải tạo ra được đám đông, thu hút được traffic thì mới bán được hàng. Nếu bán mà chỉ ngồi im chờ đợi thì chắc chắn chết. Và hoạt động này phải lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đây chính là cái giá của mặt bằng đó. Thay vì trả tiền mặt bằng thì người ta đi qua đi lại thấy mình; đằng này mình không trả tiền, mình chỉ online thôi thì phải "lấy sức cơm bù sức của" thôi.

6. Khác biệt bằng thương hiệu cá nhân

Khách hàng có thể mua gà vì nhu cầu nhưng mua gà ở chỗ bạn thì bạn cần có một lý do thật sự để họ làm việc đó. Chính là “thương hiệu cá nhân”.

Đừng nghĩ đó là cái gì đó quá to tát, cứ nghĩ đơn giản rằng bạn là một người rất yêu sản phẩm của mình, bạn đam mê với nó (ví dụ như chân gà sả tắc rút xương chẳng hạn). Hãy thể hiện điều đó ở trang bán hàng của bạn, profile Facebook, Zalo… Chỉ cần như thế, lặp đi lặp lại đủ lâu và đủ nhiều. Thường xuyên sáng tạo nội dung, tương tác, xuất hiện, comment mặn… ở những nơi khách hàng hay lui tới như các group, hội nhóm. Cứ việc đặt mục tiêu trở thành một trong những người đóng góp bài viết, comment mặn, comment có tâm, comment chất... thì bạn sẽ tạo được sự chú ý của khách hàng. Và những đơn hàng sẽ bắt đầu phát sinh.

Tạo dựng thương hiệu cá nhân để "câu" khách hàng trung thành

 

(Thường thì có thể làm bước này trước khi bắt tay vào bán hàng sẽ bớt được rủi ro và tiết kiệm thời gian)

Ngoài ra, một tips nữa là ai đang bán hàng online thì đừng ngại chi tiền tặng quà là những món có thể sử dụng lại nhiều lần như ly cốc uống nước, đũa, thìa ăn uống đẹp… Mỗi lần họ định ăn hay uống hoặc thế nào đó mà nhìn thấy sản phẩm có thương hiệu của bạn thì đó là một cơ hội bán hàng. Nghĩ thì tốn chứ thật ra nó rất tiết kiệm chi phí marketing, lại tăng được mối liên kết với khách hàng. Tùy năng lực mà có thể cân nhắc tặng cái gì, tặng bao nhiêu và tặng cho ai.

Trên đây là một số các yếu tố (khá) quan trọng mà nhiều người đang lờ đi (hoặc không biết nó quan trọng). Tin rằng bài viết này có thể giúp những ai đang kinh doanh đồ ăn online có thêm góc nhìn mới và tìm được hướng đi hiệu quả cho mình.

Tác giả: Thông Phan