Series: Vực dậy một khách sạn thua lỗ trên bờ vực phá sản - Bài 2

Mọi việc, khi đứng trên bờ vực phá sản - kinh doanh thất bại đều dễ khiến cả người đứng đầu và toàn bộ bộ máy nhân sự lao đao, suy sụp. Tìm cách vực dậy tinh thần cho cả một tổ chức để "tỉnh táo lại sau một trận đòn dài" là điều cần thiết nhất. Sau đó, tiến hành "chọn lọc, thải loại và tổ chức lại nhân sự"... Đó cũng chính là nội dung được tác giả bài viết chuỗi series Vực dậy một khách sạn trên bờ vực phá sản chia sẻ hôm nay...

series vực dậy một khách sạn trên bờ vực phá sản


"Nhận hỗ trợ tái cơ cấu khách sạn và doanh nghiệp năm 2017, từ chỗ chỉ bán được vài triệu booking một tháng đến khi bắt đầu áp dụng các định hướng và giải pháp mới, hóa đơn hoa hồng booking đã vọt lên hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến các kênh khác. Ấy thế mà, kết thúc công việc, để lại một nền tảng OTA tốt đang lên top nhưng ngay lập tức khách sạn đó về lại "cái máng lợn" ban đầu. TA thì chạy mất dép. Thế mới thấy, khách sạn khi lâm vào cảnh thua lỗ phá sản sẽ gặp nhiều vấn đề hơn việc sale nhiều." - chia sẻ của Nguyễn Thanh Tùng, tác giả chuỗi series Vực dậy khách sạn bên bờ vực phá sản.


Xem lại Phần 1: Tỉnh táo lại sau một trận đòn dài

Phần 2: Chọn lọc, thải loại và tổ chức lại nhân sự

"Trước khi nhận làm một khách sạn thì mình sẽ dành ra 1, 2 hôm đến ở như một khách bình thường để kiểm tra dịch vụ - rồi lê la tâm sự, hỏi han với nhân viên. Sau đó sẽ có một bản đánh giá tổng quát, trong đó có phần về nhân sự. Một câu chuyện buồn là khi mình xuất hiện thì non nửa số người sẽ ra đi, lý do cũng nhiều nhưng bắt buộc phải làm. Bởi, để kinh doanh thành công, bên cạnh chất lượng dịch vụ tốt - đội ngũ nhân sự giỏi và chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng."

Sau đây là một số quan điểm đối với quản trị nhân sự và đi kèm theo đó là những hành động cụ thể được tác giả nhận định và chia sẻ:

#“Cỗ xe tứ mã chạy bằng tốc độ của con chậm nhất”

Mình luôn loại bỏ những kẻ kéo lùi tập thể. Vừa để tinh giảm bộ máy, giảm tải quỹ lương, vừa để thanh lọc môi trường làm việc, không để người này kéo chân người kia, không để một người tiêu cực làm hỏng tập thể.

Có một sự thật đấy là trong các doanh nghiệp thua lỗ, các nhân viên xuất thân họ hàng và bạn bè của chủ luôn là người phá tập thể tích cực nhất. Không nói đến việc họ ăn trộm ăn cắp hay làm hỏng cái gì của khách sạn - vấn đề cơ bản và dễ thấy nhất là gây cảm giác bất công trong tinh thần làm việc, tiếp theo là hay chọc ngoáy vào việc quản trị vận hành… Cụ thể như thế nào, các bạn đi làm thuê trước khi làm chủ sẽ rất rõ.

Nghề nghiệp của mình cũng có một cái thuận lợi đấy là lúc đó chủ chán quá rồi, muốn làm gì thì làm. Mình loại ai cũng được. Còn các bạn tự làm chủ chắc còn dễ hơn.

#Không cần đông, chỉ cần đồng lòng và hiệu quả

Loại bớt những kẻ cản chân rồi, quỹ lương dư đến từ chỗ trống của những kẻ bị loại, mình sẽ dùng để tăng cho những người ở lại. Khi đó, họ sẽ thấy mình được đánh giá đúng năng lực và được tôn trọng. Nghiệp vụ của 3 sao không có gì quá phức tạp nên một số ít những người còn lại sẽ hỗ trợ nhau trong toàn bộ công việc của khách sạn, từ đúng chuyên môn nghiệp vụ cho đến học hỏi và phụ việc. Mình cũng chung tay vào làm những công việc nhất định cùng nhân viên khách sạn.  

Nếu được thì ai cũng nên biết dọn buồng để giờ cao điểm luôn có người sẵn để bố trí hỗ trợ. Bar biết phụ bếp, lễ tân có thể thay bồi, cả bộ phận ai cũng biết pha đồ uống cơ bản… Tóm lại mục tiêu của việc này là tạo ra một môi trường làm việc mà “ai thấy việc là tự động lao vào làm”. Tuy rất vất vả nhưng mọi người đều tự nguyện. Bởi lẽ, mình đáp ứng được 2 điều nhân viên kì vọng, đó là: được tôn trọng, giúp đỡ và có mức thu nhập cao hơn.

Hãy tưởng tượng, bạn là bếp phụ, lão bếp trưởng dở hơi lười biếng bị đuổi rồi, bây giờ cả cái bếp là của bạn, lương cao hơn, sáng trưa chiều tối, khi nào đông khách thì cả khách sạn đều xuống giúp, nghe bạn điều động nhặt rau, rửa đĩa… thì sẽ hiểu vì sao mình lại có thể duy trì một nhóm người nhỏ hoạt động hiệu quả dù vất vả và đang trong quãng thời gian phải nói là cực kỳ khó khăn.

series vực dậy một khách sạn trên bờ vực phá sản

Khi được tôn trọng, giúp đỡ và có mức thu nhập cao hơn, nhân viên sẽ gắn bó và nỗ lực cống hiến cùng tập thể

#Đào tạo chính mình

Thông qua việc hỗ trợ tất cả bộ phận, bạn tự rà soát lại năng lực của mình, học những điều hay từ nhân viên (nghiêm túc đấy), từ đó dùng năng lực quản lý của mình tổ chức, sắp xếp lại công việc sao cho hiệu quả hơn. Người lao động cũng thấy được lắng nghe và ghi nhận sáng kiến của mình. Như thế, 2 bên đều được nhìn nhận và đánh giá vấn đề, chọn lấy hướng phát triển phù hợp và tốt nhất, để đạt hiệu quả cao nhất.

-----------------------------

P/s: "2 tuần nay bên mình mua và set lại một khách sạn cũ thua lỗ nặng nề. Đã hô hào anh chị em tổng vệ sinh nhà cửa, kho còn cái gì, dù là chổi cùn rế rách nhưng vẫn còn dùng được thì cũng lôi ra dùng hết. 2 hôm nay tổ chức ăn sáng cho khách, chị buồng và mình nấu ăn, cu bell làm bồi, lễ tân ghi order, nhộn nhịp từ 6h sáng đến đêm. Vất vả nhưng vui vì mọi người thấy khách sạn mỗi ngày một khác, khách hàng phản hồi tốt và đông lên nhanh chóng.
Hẹn gặp lại các bác trong phần tiếp theo về thúc đẩy kinh doanh và một số thủ thuật sale nhé.

Tác giả: Nguyễn Thanh Tùng