Như thế nào là một Quản lý tốt?

Ở bất kỳ môi trường khách sạn nào, nếu có nhân viên hẳn sẽ có người đảm nhận vai trò quản lý. Với câu hỏi - như thế nào là một Quản lý tốt - mỗi người sẽ định nghĩa theo cách của riêng mình. Hãy cùng xem góc nhìn về câu hỏi này của tác giả Jen Nguyen…

như thế nào là một quản lý tốt

Theo bạn, một Quản lý tốt là người như thế nào?

Ở bài trước, chúng ta đã trả lời câu hỏi như thế nào là một nhân viên giỏi. Còn bài này sẽ cùng bàn luận về một Quản lý tốt.

Một người quản lý giỏi là người phải có nghiệp vụ chuyên môn tốt, nhưng…

Người có nghiệp vụ chuyên môn tốt chưa chắc là người quản lý tốt!

Bởi vì, bạn có nghiệp vụ chuyên môn tốt, thì bạn chỉ mới thành thạo trong lĩnh vực bạn đang làm việc: lễ tân, buồng phòng, bếp, bàn, bar... Nhưng khi trở thành 1 quản lý, đó là cả một chuỗi ngày mà bạn phải lên sân khấu biểu diễn tiết mục nghệ thuật của chính mình!

Quản lý là gì? Với mình, chính là quản lý con người, quản trị nhân sự làm sao để hệ thống của mình chạy trơn tru và kết hợp được với hệ thống của toàn khách sạn để vận hành thuận lợi – trơn tru nhất.

Thế với nhân viên như thế nào là một quản lý tốt? Và với người lãnh đạo, người quản lý dưới cấp của mình như thế nào là quản lý tốt?

Mình thường nói: khi quản lý các bạn phải tập trung vào kỹ năng quản trị nhân sự, mà trong đó, động viên và kỷ luật là một nghệ thuật. Cần đặt để nhân viên mình vào đúng vị trí mà họ có thể phát huy được năng lực của mình, hạn chế sở đoản của họ. Phải nhìn nhận ra được điểm yếu và giúp đỡ nhân sự kiểm soát hoặc thậm chí bài trừ điểm yếu của họ, và quan trọng hơn, hãy để họ thấy được chúng ta – những người quản lý – đang dùng TÂM để quản trị nhân sự.

như thế nào là một quản lý tốt

Một người quản lý tốt phải biết kết hợp động viên và kỷ luật

Không ai thích bị chỉ trích trước đám đông. Trong trí nhớ, một bạn quản lý nhà hàng thức ăn nhanh đã thẳng thừng “chửi” nhân viên ngay lúc nhà hàng đông khách, và trước mặt các nhân viên khác. Mình nghĩ bạn kia có nhiều lựa chọn để xử lý hơn là ra oai như vậy.

Ai cũng cần một người hiểu mình. Quản lý nên nắm bắt tâm lý nhân viên, một bạn đang làm hăng say tự dưng lại phạm rất nhiều lỗi ngớ ngẩn, rồi mặt mày ủ dột, đó là lúc người quản lý nên lên tiếng, để làm gì? Để chia sẻ, để lắng nghe, để hiểu được nhân viên mình đang trong trạng thái như thế nào, rồi động viên, rồi hành động. Làm quản lý, tốt nhất nên biết cách nhìn sắc mặt đoán tình huống.

Quản lý, hãy vì quyền lợi của nhân viên. Việc chèn ép nhân viên theo ý cấp trên, hoặc chủ đầu tư để lấy miếng cho cái tiếng của người quản lý thì với mình thật sự không nên. Quản lý là biết cân nhắc nặng nhẹ, vừa lợi cho chủ/sếp vừa lợi cho nhân viên, là người phải biết dung hòa giữa 2 bên. Nếu người làm dịch vụ được gọi là “làm dâu trăm họ” thì Quản lý chính là “làm dâu thiên hạ!”.

như thế nào là một quản lý tốt

Một người quản lý tốt sẽ biết dung hòa giữa chủ/sếp và nhân viên

Đừng giấu nghề, hãy chia sẻ và hãy đào tạo nhân viên! Thật ra giấu nghề thì được gì? Bạn không hướng dẫn thì sẽ có người khác hướng dẫn, nghề của bạn là do người khác dạy hay tự học thì việc giấu làm của riêng liệu có phải là phương án tốt? Chia sẻ một chút về quan điểm này, mình vẫn còn hơi trẻ để ở vị trí quản lý, nên mình quan niệm, điều mà mình có thể khiến nhân sự ở cùng mình dài lâu, thì hãy cho họ cái họ cần: 1 là kiến thức – kinh nghiệm, 2 là tiền! Số 2 thì mình không thể, nhưng số 1 thì mình có thể.

Với cả, khi bạn hướng dẫn người khác cũng là lúc bạn review lại bản thân, rà lại kiến thức – kinh nghiệm, và tin mình đi, lúc đó bạn sẽ nhận ra, “ah! Thì ra cái này có cách tốt hơn để làm nè”.

như thế nào là một quản lý tốt

Một quản lý tốt sẽ không giấu nghề

Hãy làm chỗ dựa cho nhân viên của mình! Quản lý tốt là khi sóng đến thì ra đầu thuyền mà đón sóng, chứ đừng thấy sóng lăn tăn chuẩn bị tấp vào là dạt đi đâu mất, đến hồi bão tan mưa tạnh thì xuất hiện, “Ờ! Nãy có chuyện gì vậy em? Sao không gọi anh/chị?”. Ủa chớ lúc em cần anh/chị không có, lúc em không cần anh/chị xuất hiện làm gì?

Nhân viên họ yếu đuối trong tâm lý, chứ mạnh mẽ thì họ ở vị trí của các bạn rồi, nhất là các bạn thử việc, thực tập - khách đập bàn lớn tiếng là mặt không còn giọt máu, kể cả nhân viên làm lâu năm cũng có thể như vậy. Cho nên, lúc này, ánh hào quang của các bạn mang chữ M (Manager) là cần thiết phát huy để che chở.

Nhớ lại có lần mình training xuất hóa đơn đỏ cho nhân viên, bạn không dám xuất sợ sai, mình bảo “em xuất đi, chị ký cho!”. Ai ký thì kế toán dí người đó thôi!

Đừng kéo nhân viên vào những cuộc đua tranh của các chữ M! Đơn giản mà đúng không? M nào cãi gì cãi đừng về nói với nhân viên “mấy đứa FO đó, tố cáo mình đó!” hay là “mấy người HK tố FO đó!” Đừng có tạo nên mâu thuẫn nội bộ nhé!

Chốt: Nhân viên chọn Sếp không chọn công ty, và họ từ bỏ người lãnh đạo chứ không phải từ bỏ công ty!

Tác giả: Jen Nguyen