Với các khách sạn – nhà hàng cao cấp và có quy mô lớn sẽ không thể thiếu vị trí Demi chef. Vậy Demi chef là gì? Công việc cụ thể của Demi chef gồm những gì – bài viết sau đây sẽ cho bạn câu trả lời.
► Demi chef là gì?
Demi chef là vị trí tổ phó tổ bếp trong nhà hàng – khách sạn, làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổ trưởng tổ bếp. Tùy cơ cấu tổ chức bộ phận bếp mà có: tổ phó bếp Á, tổ phó bếp Việt, tổ phó bếp Âu, tổ phó bếp lạnh, tổ phó bếp bánh…
Demi chef chính là tổ phó bếp nhà hàng
► Bản mô tả công việc Demi chef trong nhà hàng – khách sạn
Nhiệm vụ chính | Công việc cụ thể |
Chế biến – kiểm tra món ăn trước khi phục vụ thực khách | • Kết hợp với nhân viên bếp chuẩn bị sơ chế các loại thực phẩm cần thiết cho ca làm việc. • Theo dõi quá trình chế biến món ăn của các đầu bếp, đảm bảo đúng quy trình, công thức, định lượng chuẩn. • Trực tiếp kiểm tra món ăn sau khi hoàn thành, đảm bảo tính thẩm mỹ trước khi chuyển cho nhân viên phục vụ. • Trong trường hợp cần thiết, Demi chef thực hiện việc chế biến các món ăn để kịp thời phục vụ thực khách. |
Quản lý vệ sinh chung gian bếp | • Phân công nhân viên bếp trong tổ thực hiện việc vệ sinh các dụng cụ nhà bếp trước và sau khi chế biến các món ăn. • Kiểm tra kỹ lưỡng vấn đề vệ sinh trong khâu chuẩn bị, sơ chế và chế biến thực phẩm – nguyên vật liệu. • Kiểm soát vấn đề vệ sinh bếp trong ca làm việc. |
Quản lý tài sản chung | • Phân công nhân viên bếp thực hiện việc vệ sinh máy móc, trang thiết bị, dụng cụ. • Kiểm tra việc sắp xếp, bảo quản giữ gìn tài sản, thiết bị, đồ dùng bếp. • Báo cáo Tổ trưởng, liên hệ bộ phận kỹ thuật kiểm tra – sửa chữa trong trường hợp các trang thiết bị hư hỏng. |
Hỗ trợ Tổ trưởng điều phối công việc | • Phối hợp với Tổ trưởng bếp phân công công việc, giám sát, điều hành công việc – đảm bảo tiến độ phục vụ. • Điều động nhân sự tổ hỗ trợ tổ bếp khác khi cần thiết. • Khi Tổ trưởng Bếp vắng mặt hoặc được yêu cầu, Demi chef có toàn quyền điều phối công việc trong tổ. |
Các công việc khác | • Phối hợp Tổ trưởng bếp, Bếp trưởng lên thực đơn mới, thực đơn phục vụ sự kiện, lễ - Tết cho nhà hàng. • Phối hợp kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu, thực phẩm, gia vị đầu vào và bảo quản đúng cách. • Phối hợp xử lý – giải quyết các yêu cầu, phàn nàn phát sinh liên quan đến chất lượng món ăn với thực khách. • Kiểm tra, lên danh sách – gửi yêu cầu mua thực phẩm, gia vị, vật tư bếp cho bộ phận phụ trách thu mua. • Theo dõi các vấn đề an toàn môi trường làm việc, phòng ngừa các tai nạn xảy ra. • Trực tiếp hoặc phân công hướng dẫn công việc cho nhân viên mới, giúp nhân viên nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc. • Triển khai các thông báo có liên quan đến nhân viên tổ bếp. • Tham gia cuộc họp của bộ phận – sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khác khi được cấp trên yêu cầu. |
Demi chef kiểm tra chất lượng món ăn trước khi phục vụ thực khách
► Yêu cầu trong công việc với Demi chef
Để đảm nhận tốt vai trò của một Demi chef, yêu cầu người đầu bếp cần:
- Thành thạo kỹ năng chế biến các món ăn, nắm rõ thành phần – định lượng chuẩn nguyên liệu món ăn có trong menu của nhà hàng, khách sạn.
- Có vị giác tốt, sáng tạo trong chế biến – décor món ăn.
- Có kỹ năng làm việc nhóm, linh hoạt - biết cách phân công công việc hiệu quả.
- Có tính kiên nhẫn, bình tĩnh vì phải làm việc trong môi trường áp lực, nóng bức.
► Mức lương Demi chef hiện nay
Từ ghi nhận của Nghekhachsan.com, thu nhập của Demi chef hiện dao động trong khoảng 6 – 12 triệu đồng/ tháng. Ngoài mức lương cứng, các tổ phó bếp làm việc trong nhà hàng – khách sạn có thu phí phục vụ thì hàng tháng sẽ được nhận thêm service charge và khoản chia tiền tip – với đơn vị áp dụng chính sách “tip box” (chia tiền tip cho tất cả nhân viên).
Nếu bạn dự định ứng tuyển vị trí tổ phó bếp thì nhớ tham khảo kỹ bản mô tả công việc Demi chef trên đây nhé – để hình dung cụ thể công việc mình sẽ làm gồm những gì…
Ms. Hotel