F&B là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong các khách sạn, vậy bạn có biết F&B là gì? Nếu bạn chưa có nhiều thông tin, hãy cùng Nghekhachsan.com tìm hiểu nhé!
F&B là gì?
F&B (Food and Beverage) là ngành dịch vụ ẩm thực, đồ uống. Trong khách sạn, F&B là bộ phận ẩm thực và đồ uống, hoạt động dưới sự quản lý của Giám đốc F&B, phục vụ nhu cầu ăn uống của khách lưu trú, khách vãng lai, nhân viên khách sạn và kinh doanh các dịch vụ kèm theo: hội họp, tiệc banquet, giải trí… F&B là bộ phận mang lại nguồn doanh thu lớn cho khách sạn, sau hoạt động cho thuê phòng.
Vai trò của bộ phận F&B trong khách sạn
- Phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách: đây là vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của bộ phận F&B khách sạn, phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất của khách lưu trú.
- Thúc đẩy doanh thu khách sạn: F&B là bộ phận mang lại nguồn doanh thu cao thứ hai cho khách sạn; dịch vụ F&B tốt sẽ giúp thu hút nhiều hợp đồng: tiệc hội nghị, tiệc cưới,…
- Tăng cường tính nhận diện thương hiệu cho khách sạn: bộ phận F&B hoạt động hiệu quả sẽ giúp làm tăng tính nhận diện thương hiệu cho khách sạn, thu hút khách sử dụng các dịch vụ khác. Dịch vụ F&B tốt sẽ khiến khách để lại những phản hồi tốt trên các website đặt phòng trực tuyến, là lý do khiến khách quay lại lưu trú tại khách sạn hay giới thiệu cho bạn bè, người thân…
Bộ phận F&B mang lại nguồn doanh thu lớn cho khách sạn (Ảnh nguồn Internet)
Mô hình tổ chức bộ phận F&B trong khách sạn theo hạng sao
Tùy thuộc vào quy mô, cấp độ sao, số lượng phòng mà mỗi khách sạn sẽ có mô hình tổ chức bộ phận F&B khác nhau:
- Khách sạn 1 – 2 sao: thường có 1 nhà hàng – quầy bar nhỏ, phục vụ theo giờ cố định.
- Khách sạn 3 sao: có 1 nhà hàng phục vụ giờ cố định, 1 quầy bar và dịch vụ Room service khi khách có nhu cầu.
- Khách sạn 4 sao: có ít nhất 1 nhà hàng phục vụ buffet sáng và các bữa trong ngày; quầy bar tại tiền sảnh, nhà hàng, hồ bơi, spa,…; dịch vụ Room service 24/24.
- Khách sạn 5 sao: có ít nhất 2 nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách 24/24 gồm các loại hình đa dạng: Alacarte, Buffet, Set menu… với nhiều món ăn Âu – Á cao cấp; quầy bar tại nhiều khu vực (hồ bơi, spa, sân thượng…), lounge, club; room service 24/24.
Bộ phận F&B trong khách sạn gồm những outlet nào?
- Restaurant là địa điểm cung cấp các bữa ăn trong ngày cho khách lưu trú tại khách sạn, khách vãng lai…; phục vụ khách nhu cầu ăn uống của khách họp hành, tham gia hội nghị, hội thảo; tổ chức các loại hình tiệc theo yêu cầu của khách hàng (tiệc sinh nhật, tiệc cầu hôn…). Nguồn doanh thu từ nhà hàng so với các outlet khác trong bộ phận F&B thường có sự chênh lệch, biến chuyển theo nhu cầu và từng thời điểm trong năm.
- Lobby bar: là quầy bar thường có tại khu vực tiền sảnh của các khách sạn 3 – 5 sao; phục vụ cho khách các món nước welcome drink trong thời gian chờ làm thủ tục check-in; phục vụ khách lưu trú những tách cà phê thơm ngon hay những ly cocktail hảo hạng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Một số khách sạn còn có thêm chương trình Happy Hours, High Tea để thu hút khách vãng lai.
- Room service là dịch vụ phục vụ ăn uống tại phòng lưu trú của khách theo yêu cầu. Với các khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên thì Room service thường hoạt động 24/24. Tùy theo quy định của mỗi khách sạn mà Room service sẽ hoạt động độc lập hoặc trực thuộc các nhà hàng.
- Banquet là bộ phận cung cấp các dịch vụ hội họp, tổ chức sự kiện… với đa dạng các loại hình tiệc theo yêu cầu của khách hàng. Ở hầu hết các khách sạn 4 – 5 sao, hoạt động Banquet mang lại nguồn doanh thu lớn cho bộ phận F&B.
- Executive Lounge: thường thì với các khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên mới có Executive Lounge – khu vực phục vụ đặc biệt chỉ dành riêng cho khách đang lưu trú tại khách sạn (chủ yếu là khách VIP). Tại đây, khách lưu trú cũng được phục vụ các thức ăn, nước uống với số lượng hạn chế hơn nhà hàng nhưng có chất lượng dịch vụ chu đáo và mức độ chuyên nghiệp cao hơn.
- Kitchen (Bếp): đội ngũ nhân sự bếp khách sạn sẽ đảm nhận nhiệm vụ chế biến tất cả các món ăn phục vụ trong toàn khách sạn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sáng tạo những món ăn mới mang đặc trưng văn hóa địa phương, làm nên thương hiệu cho khách sạn để thu hút thực khách.
Ngoài ra, tùy theo quy mô và nhu cầu thực tế mà có khách sạn sẽ có thêm các bộ phận F&B khác: Club, Rooftop bar…
Cơ cấu tổ chức nhân sự bộ phận F&B trong khách sạn
Cơ cấu tổ chức nhân sự bộ phận F&B tùy thuộc vào hạng sao và số lượng outlet của khách sạn. Với khách sạn 5 sao, sơ đồ tổ chức nhân sự thường là:
Như vậy:
- Giám đốc F&B: là người đứng đầu bộ phận, chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các Quản lý outlet gồm: Quản lý nhà hàng, Quản lý quầy bar, Quản lý Banquet, Quản lý lounge, Bếp trường.
- Với nhà hàng/ lounge sẽ có các vị trí sau: Quản lý nhà hàng => Phó Quản lý/ Trợ lý => Giám sát/ Tổ trưởng => Nhân viên phục vụ/ thu ngân/ hostess/ Food runner
- Với quầy bar sẽ có các vị trí sau: Quản lý quầy Bar/ Bar trưởng => Tổ trưởng Bartender/ Giám sát quầy bar => Bartender/ Barista/ Thu ngân/ Phục vụ
- Với outlet tiệc sẽ có các vị trí sau: Quản lý tiệc => Giám sát tiệc/ Tổ trưởng phục vụ => Nhân viên phục vụ/ Đội khánh tiết
- Với bếp sẽ có các vị trí sau: Bếp trưởng => Bếp phó => Tổ trưởng bếp bánh/ Âu/ Á/ Rửa chén => Đầu bếp => Phụ bếp/ nhân viên rửa bát
Cơ hội việc làm bộ phận F&B trong khách sạn
Với cơ cấu tổ chức nhân sự trên, chúng ta cũng có thể thấy được F&B là bộ phận có số lượng nhân sự nhiều nhất khách sạn - lên đến hàng trăm nhân viên, do đó mà nhu cầu tuyển dụng cũng như cơ hội việc làm trong bộ phận F&B là rất lớn - đặc biệt là với khách sạn tiêu chuẩn 4, 5 sao. Nếu là sinh viên mới ra trường, bạn có thể ứng tuyển làm nhân viên phục vụ, thu ngân, hostess, phụ bếp, nhân viên pha chế/ phụ Bar… Còn khi đã có kinh nghiệm và thâm niên làm nghề - bạn có thể ứng tuyển hoặc thăng tiến lên làm giám sát, tổ trưởng - hưởng mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn.
Với lý giải của Nghekhachsan.com trong bài viết này, mong rằng đã giúp bạn hiểu được F&B là gì cũng như tìm hiểu những thông tin cụ thể về bộ phận này trong khách sạn.