Stylist được biết đến là người tạo dựng phong cách cho một đối tượng khách hàng nhất định. Vậy Food Stylist có phải là người chịu trách nhiệm tạo dựng phong cách cho món ăn? Những điều gì thú vị ẩn đằng sau ngành nghề thú vị này? Cùng Nghekhachsan.com khám phá bằng hết những điều trên!
Food Stylist là gì?
Food Stylist là người làm đẹp, “điểm phấn tô son” cho món ăn; có nhiệm vụ trang trí, bày biện, tạo ra phong cách cuốn hút cho món ăn thông qua các hình ảnh trên menu nhà hàng, trong sách hướng dẫn nấu nướng hay các chương trình quảng cáo,… để gây ấn tượng với thực khách.
Để có một sản phẩm thực sự đẹp mắt và ấn tượng, một Food Stylist chuyên nghiệp phải biết phối hợp ăn ý với nhiều bộ phận khác như Advertising Agency, Photographer, Producer,… trong việc tìm hiểu thị hiếu của khách hàng để tạo dựng “phong cách” phù hợp, đẹp mắt và hấp dẫn nhất cho món ăn.
Công việc của Food Stylist là gì?
Công việc chính của một Food Stylist là trang trí, bày biện đồ ăn thật hấp dẫn, lên ý tưởng và hướng dẫn chụp ảnh chúng để quảng bá hình ảnh, khẳng định thương hiệu cho các nhà hàng, quán ăn hoặc các công ty chuyên về ẩm thực thông qua những hình ảnh món ăn trên menu nhà hàng, trong các sách hướng dẫn nấu ăn hay các chương trình quảng cáo,… Nói một cách đơn giản hơn, Food Stylist là người chịu trách nhiệm chuẩn bị mọi thứ ở trạng thái tốt nhất sẵn sàng để món ăn lên ảnh.
Địa điểm làm việc của Food Stylist
Không giống như đầu bếp có căn bếp điển hình, Bartender có quầy bar quen thuộc, Food Stylist thường có địa điểm làm việc không cố định và khá linh động tùy thuộc vào từng tính chất công việc cụ thể, khi ngoài trời, trong một gian bếp, phim trường, hay một studio nào đó,… Dựa vào yêu cầu của khách hàng, tính thẩm mỹ và kỹ năng của bản thân, các Food Stylist sẽ linh hoạt và sáng tạo lựa chọn kiểu bày biện, trang trí riêng phù hợp với mỗi món ăn nhất định, món chín hẳn sẽ phải bày khác với món sống, sự kết hợp giữa đồ tươi và đồ khô, đồ ăn và đồ uống,…
Food Stylist phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Một Food Stylist chuyên nghiệp luôn lấy sự thẩm mỹ và hợp xu hướng làm kim chỉ nam cho công việc của mình. Một món ăn ngon thôi chưa đủ, ấn tượng đầu tiên về món ăn với thực khách là sự hấp dẫn bằng mắt. Vì vậy, Food Stylist không phải là công việc bạn có thể đảm nhận chỉ trong ngày một ngày hai. Dưới đây là một số yêu cầu đòi hỏi Food Stylist phải đáp ứng nếu muốn “sống” được với nghề:
- Kiến thức: muốn trở thành một Food Stylist được mọi người công nhận, bạn nhất định phải trang bị những kiến thức về ẩm thực, thời trang/ hội họa/ kiến trúc hay mỹ thuật,… để có thể nhanh chóng và dễ dàng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu ở hiện tại, trong tương lai của thực khách để từ đó, tạo ra các món ăn/ đồ uống hấp dẫn nhất.
- Bằng cấp: một Food Stylist muốn hành nghề phải có các chứng chỉ các khóa đào tạo nghề bếp trong các trường ẩm thực; hoặc đôi khi một số Food Stylist lại có bằng cấp liên quan tới mỹ thuật hội họa, kiến trúc hay thiết kế,…
- Tính cách: để đảm đương công việc của một Food Stylist, bạn phải là người bình tĩnh, điềm đạm và vui vẻ (nhất là khi công việc yêu cầu bạn phải làm đúng yêu cầu của khách hàng trong một thời gian dài) – có kỹ năng thuyết trình, trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng để đối tác hiểu được những điều bạn muốn nói – có kỹ năng xử lý vấn đề phát sinh ngay tại buổi làm việc – nhiệt tình, năng nổ và cống hiến hết mình cho buổi làm việc, cố gắng đừng than phiền.
- Các yêu cầu khác: bên cạnh các kỹ năng làm việc với đồ ăn/ thức uống, bạn cần có kiến thức về chụp ảnh, hiểu về ánh sáng, cách hướng sáng, góc máy, hiệu ứng,… giúp tăng chất lượng của hình ảnh trong và sau khi chụp; biết xây dựng một Portfolio cá nhân, chuẩn bị bộ dụng cụ Food Styling cho riêng mình và có phương tiện di chuyển,…
Theo học Food Stylist ở đâu?
Theo tìm hiểu, hiện tại, Việt Nam chưa có trường lớp hay giáo trình nào đào tạo chính thức nghề Food Stylist. Vậy nên, nếu bạn muốn chọn Food Stylist như một nghề nghiệp cho mình thì một là bạn phải tự thân vận động, nghĩa là tự tìm tòi, mài mò qua sách báo nước ngoài; hai là đăng ký các khóa đào tạo ngắn hạn tại các trường ẩm thực để học và phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn các Food Stylist ở Việt Nam hiện nay đều là các đầu bếp kiêm nhiệm.
Những Tips nhỏ hữu ích cho Food Stylist
Khi làm việc dưới sức nóng của đèn studio, thực phẩm sẽ nhanh hỏng và giảm chất lượng. Vì vậy, các Food Stylist nên biết những Tips nhỏ hữu ích sau:
- Thay sữa tươi thật bằng crem hoặc keo để đạt đủ độ sánh, bề mặt căng mịn và hấp dẫn hơn
- Dùng bông gòn tẩm nước và đặt trong lò vi sóng khoảng 5 phút để tạo hơi nước giả cho món ăn
- Bỏ hỗn hợp syrup trong ngăn đá tủ lạnh đến khi chụp mới mang ra sử dụng sẽ giúp tăng độ sánh
- Sử dụng nhíp nhỏ khi điều chỉnh các tiểu tiết trên bề mặt thực phẩm
- Cố định thực phẩm bằng kẹp, tăm,…
- Xịt thêm một ít nước lên bề mặt rau củ sẽ giúp chúng trông tươi ngon và bắt mắt
- Muốn chả giò lên hình đẹp thì phải chiên trắng hơn một chụt, để khi vớt ra chúng sẽ chuyển màu vàng là vừa
- Muốn ly rau má có màu xanh mát lạnh đẹp mắt khi lên hình, hãy pha loãng nó và đựng trong cái ly có khúc xạ ánh sáng tốt.
- Rượu vang thật khi chụp hình sẽ bị tối màu, vì vậy hãy pha màu với nước giả rượu vang để màu rượu được tươi hơn
- …
Mức lương của Food Stylist
Theo ghi nhận của Nghekhachsan.com, mức lương mà Food Stylist nhận được khá linh động, dao động ở mức thu nhập khá trong xã hội nếu bạn có công việc đều đặn. Cụ thể, một Food Stylist “đắt xô” ở Việt Nam sẽ có mức thu nhập dao động trong khoảng từ 15 – 17 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, đây là công việc thời vụ nên không đều.
Hiện tại, nghề Food Stylist còn khá mới mẻ và không hẳn quá phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực dù nhỏ, không đông người theo đuổi nhưng đối thủ cạnh tranh mạnh, chủ yếu là những “ứng viên” từ các nước khác tới. Vì vậy, đây dự kiến sẽ là một ngành nghề khá Hot trong sự phát triển ngày càng cao của nhu cầu, công nghệ và sự hội nhập.
Xem thêm: Menu Là Gì? 3 Loại Menu Nhà Hàng Được Ưa Chuộng Nhất Hiện Nay